– Trung Quốc có dự án đưa hàng triệu nông dân nghèo sang một số
nước châu Phi. Giờ người ta đang xây dựng các cơ cấu kinh tế và
chính trị để khiến các nước nghèo này phải phụ thuộc vào Trung
Quốc. Với Nhã Như, đây không phải việc lặp lại một cách vô liêm sỉ
chủ nghĩa thực dân phương Tây mà là một giải pháp nhìn xa trông
rộng. Với chị Hồng Quế, chị Mã Lý, tôi và nhiều người khác thì
ngược lại, đây là một việc làm gây tổn hại nghiêm trọng đến những
giá trị của Trung Quốc mà chúng tôi từng góp sức xây dựng.
– Tôi không hiểu, Birgitta Roslin nói. Trung Quốc là một Nhà nước
chuyên chế. Tự do thường bị giới hạn, an ninh luật pháp yếu kém. Đâu
là những giá trị mà các vị muốn bảo vệ bằng mọi giá?
– Trung Quốc là một nước nghèo. Sự phát triển kinh tế mà cả thế
giới nói đến chỉ mang lại lợi ích cho một bộ phận nhỏ trong dân
chúng. Nếu người ta tiếp tục đi theo hướng này và để cho một hố ngăn
cách lớn như vậy ngày càng sâu thêm thì Trung Quốc sẽ đứng trước
một thảm họa: Trung Quốc sẽ lại rơi vào cảnh hỗn độn tuyệt vọng,
hoặc những cơ cấu phát xít sẽ hình thành. Chúng tôi bảo vệ hàng trăm
triệu nông dân nghèo, những người bằng sức lao động của mình đã tạo
ra sự phát triển kinh tế hiện nay nhưng chỉ được hưởng lợi rất ít.
– Tuy vậy tôi vẫn không hiểu điều này. Nhã Như ở phía bên này,
Hồng Quế ở phía bên kia? Bỗng nhiên cuộc tranh luận giữa họ ngừng
lại, và anh ta đã giết chị gái của mình?
– Trong cuộc đấu tranh giành quyền lực đang xảy ra ở Trung Quốc
vấn đề là sống hay chết. Nghèo chống lại giàu, bất lực chống lại quyền
lực, yếu chống lại mạnh. Nó liên quan đến một bên là những con
người đang ngày càng phẫn nộ khi nhìn thấy những gì mà họ đấu tranh
giành được sụp đổ và một bên là những người thấy ở đó một cơ hội để
làm giàu và giành được thứ quyền lực mà họ chưa bao giờ dám mơ
tới. Trong hoàn cảnh ấy, có những người phải chết. Giông tố hoàn toàn
là thật.
Birgitta Roslin nhìn sang Sáng.