Hà nghĩ trước khi trả lời:
– Luôn có hồi kết. Ở đâu cũng vậy. Nhưng kết thúc lại luôn là sự
khởi đầu của một cái mới. Trong cuộc sống, những dấu chấm hết chỉ
là tạm thời mà thôi.
Birgitta Roslin nhìn theo chiếc taxi, rồi bà trở vào nhà, ngồi xuống
bên bản dịch cuốn nhật ký của Nhã Như. Ngày hôm sau Staffan mới
về nhà. Lúc đó chắc bà đã đọc xong. Chỉ có hơn hai mươi trang,
nhưng chữ Hà xấu nên rất khó đọc.
Bà đã đọc được điều gì? Sau này, mỗi khi nghĩ đến cái đêm ngồi
một mình trong nhà, căn phòng còn phảng phất mùi nước hoa dìu dịu
của Hà, bà biết có rất nhiều điều tự bà cũng có thể suy ra được. Nói
chính xác hơn là: lẽ ra bà đã cần phải hiểu ra, nhưng lại không chịu
chấp nhận những gì trên thực tế mình đã biết. Mặt khác, Hà đã trích ra
từ những trang viết của Nhã Như nhiều điều mà bà không thể nào ngờ
tới và chúng đã giúp làm sáng tỏ nhiều thứ.
Sự im lặng của Hà tiếp tục khiến bà tò mò. Bà rất muốn hỏi cô ấy,
nhưng nhận thấy mình sẽ không nhận được câu trả lời. Các điều bí mật
có những dấu vết mà bà sẽ không bao giờ hiểu được, có những mã số
mà bà không bao giờ mở được. Đó là câu chuyện của những con
người trong quá khứ, của một cuốn nhật ký khác dường như là đối
nghịch với cuốn nhật ký của J.A., người cai thợ Thụy Điển ở công
trường xây dựng tuyến đường sắt tại Mỹ.
Trong cuốn nhật ký của mình, Nhã Như càng ngày càng tỏ ra phẫn
nộ nói rằng Hồng Quế không chịu hiểu rằng con đường mà Trung
Quốc chọn lựa là con đường duy nhất đúng và rằng những người như
anh ta cần phải có tầm ảnh hưởng có tính quyết định. Birgitta bắt đầu
hiểu ra rằng Nhã Như có vẻ bị tâm thần và hình như anh ta cũng ý
thức được điều đó.
Ở anh ta, không hề có chút ý định hòa giải. Không chút hoài nghi,
không chút ăn năn, ngay cả đối với số phận của Hồng Quế, người dù