ông dắt chó xua đuổi, thì rất có thể đã xảy ra một vụ cưỡng dâm. Sau
đó cảnh sát đã tóm được hai thằng bé đó. Nhưng vì chúng còn là vị
thành niên nên đã được thả ra.
Birgitta Roslin nghe vụ này qua một công tố viên được một cảnh sát
kể lại. Bà rất phẫn nộ và tìm cách để biết vì sao ở sở xã hội lại không
có báo cáo. Không bao lâu bà được biết mỗi năm có hàng trăm trẻ em
phạm tội mà không bị truy tố hình sự. Không một ai trao đổi với bố
mẹ chúng, các sở xã hội không được báo cáo. Tội mà chúng gây ra
không chỉ là những vụ ăn cắp đơn giản mà còn là những vụ trấn lột,
đánh người gây thương tích, rất may mà không gây ra án mạng.
Điều này, như đã nói, khiến bà nghi ngờ toàn bộ hệ thống pháp luật
của Thụy Điển. Thực ra hệ thống pháp luật này phục vụ cho ai? Cho
công lý hay cho sự thờ ơ? Và hậu quả sẽ ra sao, một khi cứ để mặc
ngày càng có thêm nhiều trẻ em gây án mà không có ai phản ứng? Vấn
đề còn có thể tiến xa đến đâu khi hệ thống dân chủ bị đe dọa, bị tổn
hại bởi một hệ thống pháp luật lỏng lẻo?
Bà uống cạn cốc cà phê và nghĩ mình còn phải làm việc mười năm
nữa. Liệu bà có thể chịu đựng được tới cùng? Người ta còn có thể là
một thẩm phán công minh khi đã bắt đầu hoài nghi sự vận hành của
chính Nhà nước pháp quyền?
Bà không biết điều này. Để rũ bỏ những suy nghĩ này, bà đi thêm
một lần nữa qua eo biển. Lúc bà lên khỏi phà bên bờ Thụy Điển đã là
chín giờ. Bà băng qua đường phố chính rộng rãi chạy dọc giữa
Helsingborg. Lúc rẽ vào góc phố, bà lơ đễnh liếc qua măng sét của các
báo buổi chiều đang được một người đàn ông dán lên cột báo. Bà
dừng khựng lại trước những dòng tít lớn: “Vụ tàn sát ở Hälsingland”,
“Tội ác khủng khiếp”, “Cảnh sát không tìm ra dấu vết”, “Không ai
biết có bao nhiêu người chết”.
Bà tiếp tục đi đến chỗ đỗ xe. Bà hiếm khi mua các báo buổi chiều.
Bà thấy những tít bài mơ hồ và đầy tính chèo kéo thường tìm cách
công kích hệ thống luật pháp của Thụy Điển trên những tờ báo này