đó. Nó giống như thể ông không muốn những người khác bắt chuyện với
mình, sợ rằng những giọng nói lải nhải đó sẽ xóa mất ký ức về giọng nói của
bà.
Ove nhẹ nhàng lướt ngón tay trên tấm bia mộ như thể đang vuốt ve túm
tua dài của một tấm thảm thật dày. Ông không tài nào hiểu được những
người trẻ cứ luôn miệng ra rả về việc “tìm kiếm bản thân”. Ông thường
xuyên nghe điều đó từ những người đồng nghiệp ngoài ba mươi tuổi. Họ chỉ
toàn nói rằng mình cần nhiều “thời gian rảnh rỗi” hơn, như thể đó là mục
đích duy nhất của việc đi làm: đạt đến điểm mà họ không phải làm việc nữa.
Sonja từng bật cười và bảo rằng ông là “người cứng nhắc nhất thế gian”.
Ông từ chối coi đó là một lời chỉ trích. Một chút khuôn phép là điều cần
thiết, ông nghĩ thế. Nên có sự quy củ, và người ta cần phải tin cậy được mọi
thứ. Ông không nghĩ đó là một tính xấu.
Sonja thường nhắc về giai đoạn bị ông Ove xem như một sự lầm lạc trong
suy nghĩ, vào khoảng giữa thập niên 1980, khi mà ông bị bà thuyết phục và
mua một chiếc Saab màu đỏ, mặc dù từ hồi quen nhau bà biết ông chỉ đi xe
màu xanh. “Đó là ba năm tồi tệ nhất trong đời Ove,” bà vừa nói vừa cười
khúc khích. Kể từ lúc đó, ông không lái thứ gì ngoài một chiếc Saab màu
xanh. “Đa phần các bà vợ nổi giận vì ông chồng không nhận ra mái tóc mới
cắt của họ, trong khi mỗi lần tôi cắt tóc, chồng tôi giận mấy ngày liền vì
trông tôi không giống như thường ngày,” Sonja thường nói như thế.
Đó là điều mà ông Ove nhớ tiếc nhiều nhất. Việc mọi thứ diễn ra như
thường ngày.
Con người cần có một chức năng. Ông đã luôn đóng một vai trò nhất
định, không ai có thể phủ nhận điều đó. Ông đã làm tất cả những gì mà xã
hội chờ đợi nơi ông. Ông đã làm việc, không bao giờ nghỉ ốm, trả hết nợ
nần, đóng thuế, làm những việc cần làm, mua những chiếc xe tốt. Và đổi lại,
xã hội đã cảm ơn ông bằng cách nào? Bằng cách cử người đến gặp ông tại
cơ quan và bảo rằng ông đi về đi, thế là xong.
Vào một thứ Hai nọ, ông đã không còn bất cứ một vai trò nào nữa.