to tướng, ông đưa bàn tay kia lên và vuốt tóc cô. Mũi ông được gắn ống,
ngực ông vất vả nhấp nhô bên dưới lớp vải như thể mỗi hơi thở của ông là
một cơn đau dài. Giọng ông khò khè thật khó nghe:
— Cô không để bọn họ lái xe cứu thương vào trong khu phố chứ hả?
Phải mất bốn mươi phút sau, một y tá mới đi vào phòng. Ngay sau đó,
một anh chàng bác sĩ đeo kính đi dép nhựa với vẻ mặt của một người bị táo
bón bước vào phòng và uể oải đứng bên giường bệnh. Anh ta nhìn xuống
một tờ giấy.
— Parr… na va? - Anh ta ngập ngừng và đưa mắt lơ đãng nhìn cô.
— Parvaneh. - Cô chỉnh lại.
Tay bác sĩ có vẻ không quan tâm lắm tới chuyện đó.
— Ở đây cô được ghi là “người thân gần nhất”. - Anh ta nói, mắt liếc
nhanh người phụ nữ ba mươi tuổi gốc Iran đang ngồi ở ghế và người đàn
ông năm mươi chín tuổi không phải gốc Iran đang nằm trên giường bệnh.
Khi cả hai người không buồn giải thích gì hơn ngoài câu “à há, người thân
gần nhất!” của Parvaneh và “Cô im đi!” của ông Ove, tay bác sĩ thở dài nói
tiếp:
— Ove có một vấn đề với quả tim… - Anh ta thông báo với giọng đều
đều, rồi giảng giải một hồi với những thuật ngữ không thể hiểu được đối với
một người không có mười năm theo học ngành y hoặc bị nghiện một số bộ
phim truyền hình về đề tài này.
Khi Parvaneh nhìn anh ta với một đôi mắt mang hình dấu hỏi và dấu
chấm than, tay bác sĩ thở dài lần nữa theo cái cách mà anh ta thường làm khi
đối diện với những người không biết đường theo học ngành y trước khi tới
bệnh viện.
— Tim của ông ấy quá lớn. - Anh ta tóm tắt tình hình.
Parvaneh ngẩn người nhìn anh ta hồi lâu, rồi quan sát ông Ove đang nằm
trên giường với ánh mắt thắc mắc. Sau đó, cô lại nhìn anh chàng bác sĩ như
thể đang chờ đợi anh ta dang tay ra và hét lên: “Đùa thôi mà!”