Trong khi lái xe rời khỏi bãi đỗ, ông đi ngang qua cô hàng xóm bầu bí
người ngoại quốc. Cô ta đang nắm tay đứa bé ba tuổi. Anh chàng cò hương
tóc vàng đi bên cạnh họ. Cả ba người trông thấy Ove và vui vẻ vẫy tay chào.
Ông không vẫy tay đáp lại. Lúc đầu ông đã định dừng xe và chỉnh cho cô ta
một bài vì để cho trẻ con chạy lung tung trong khu đỗ xe như thể nó là sân
chơi của chúng. Nhưng rồi ông tự nhủ rằng mình đang vội.
Ông lái xe ngang qua nhiều dãy những ngôi nhà y hệt nhà của mình. Hồi
hai vợ chồng dọn về đây, khu này chỉ có đúng sáu ngôi nhà. Giờ thì số lượng
đã lên đến hàng trăm. Tất cả đều mua bằng tiền vay mượn, tất nhiên rồi.
Thời buổi này mọi người đều làm như vậy. Mua hàng bằng thẻ tín dụng, lái
ô tô điện, và gọi thợ điện chỉ để thay một cái bóng đèn. Ván sàn công
nghiệp, lò sưởi điện… Một xã hội gần như không thể nhận ra sự khác biệt
giữa một cái tắc-kê dùng cho tường bê tông và một cái tát lật mặt. Rõ ràng là
thế.
Ove mất đúng mười bốn phút để lái xe tới hiệu bán hoa ở trung tâm
thương mại. Ông luôn tuân thủ giới hạn tốc độ, mặc dù cái đám mới đến
toàn phóng ào ào chín mươi cây số giờ trên con đường cho phép tối đa năm
mươi. Quanh nhà mình thì họ gắn hàng loạt biển cảnh báo “Chú ý trẻ em,”
còn khi lái xe ngang nhà người khác thì họ bất cần. Ông Ove ra rả nói
chuyện này với bà vợ mỗi lần họ lái xe qua đây trong suốt mấy mươi năm.
“Và mọi chuyện càng ngày càng tệ đi,” ông luôn nói thêm như vậy, đề
phòng bà không nghe mình nói từ đầu.
Hôm nay ông mới đi được chưa đầy hai cây số thì bị một chiếc Mercedes
màu đen bám đuôi ở khoảng cách một cánh tay. Ông Ove nhá đèn phanh ba
lần. Chiếc Mercedes sốt ruột nhá đèn pha với ông. Ông hừ mũi vào gương
chiếu hậu. Cứ làm như bổn phận của ông là tránh đường ngay khi cái đám
ngu ngốc này quyết định chạy quá tốc độ giới hạn.
Trời ạ. Ông cương quyết không chuyển làn. Chiếc Mercedes lại nhá đèn
pha lần nữa. Ove chạy chậm lại. Chiếc Mercedes bóp còi. Ông giảm tốc độ
xuống còn hai mươi cây số giờ. Khi họ lên đến đỉnh một quả đồi, chiếc