ngày để mở đầu cho việc cày cấy trong năm của dân trong nước. Nhưng ý
nghĩ ấy cũng chẳng phải là dấu hiệu báo trước với ông rằng đấy là một
ngày trọng đại trong cuộc đời ông. Mắc bò vào cày đâu đấy xong yên, mặt
trời vẫn chưa lên. Buổi sớm tinh mơ của mùa tháng giêng ở miền núi
Tượng sông Tượng phải nói là rất tuyệt. Cả màu sắc trời mây, cả không khí
để hít thở, thứ gì cũng tuyệt. Ông Ruông cảm thấy người nhẹ nhàng thoải
mái, như vừa trải qua một cuộc du sơn ngoạn thủy hào hứng nào đó. Ngay
cả tâm trạng này cũng không phải là để báo trước điều trọng đại sắp xảy ra.
Đất vừa đủ ướt cho trạnh cày lật được đất là đúng tiêu chuẩn để cày vỡ.
Cha ông đi thăm đồng về, bảo mừoi bữa nữa là cày được, sáng ấy là đúng
mười bữa. Bước chầm chậm theo đôi bò cày cũng bước chầm chậm theo
kiểu thuộc lòng, ông Ruông cứ thấy tức cười thầm. Công việc làm của ông
trong những năm tháng trước đấy đâu có mấy khác với công việc làm của
đôi bò cày. Kéo cây cày tới đầu bờ thì đôi bò cày tự động quành lại, cày lấp
sống thì quành bên phải, bên ví, cày mở rõng thì quành bên trái, bên thá,
đâu cần ông hô ví thá. Thì ông cũng vậy, đâu cần ai nhắc, tới giờ là lên lớp,
khoa học thường thức thì con trăn con rắn là thuộc lớp bò sát, địa lý thì
nước Việt Nam có hình cong chữ S, sử ký thì Bà Trưng quê ở Phong Châu,
giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên… tức trích Đại Nam Quốc Sử
Diễn Ca. Giảng bài cho đám học trò tiểu học thì đâu cần phải cho sâu cho
rộng. Năm nào cũng quành đi quành lại cách giảng ấy. Có nghĩa, tới bài ấy
của môn học ấy, thì lại giảng giải như thế.
Tất nhiên là đám học trò dù ít dù nhiều cũng thêm được kiến thức. Nhưng
với ông thì không. Dường như là ngồi ở bàn thầy dạy học, ông chỉ làm mỗi
công việc nhai lại. Thấy cách kéo cây cày của cặp bò cày, ông thử đem liên
hệ với chuyện dạy học của ông, vậy thôi. Như cha của ông, đâu có dạy học,
mà cũng mắc phải nhai lại. Cứ ngồi vào mâm cơm, trông thấy mặt ông, là
lại nhắc : Mày định không cưới vợ, ở vậy tới già sao Ruộng? Cha của ông
cứ mỗi câu ấy nói suốt từ những năm ông ở tuổi hăm chín ba mươi cho tới
lúc ông thôi dạy học, ra cày ruộng. Quả tình, cho tới lúc đó, ông cũng
chẳng thể giải thích một cách rõ ràng cho người khác hiểu vì sao tới tuổi đó
ông vẫn chưa cưới được vợ. Có kẻ thân tình nào gặng hỏi, thì ông lại vừa