trở ra. Như thế là miền núi Tượng sông Tượng của ông Ruông lại nằm
trong Đại Việt, tức trở về với đất cũ Âu Lạc. Trong thế kỷ mười bảy ở Đại
Việt có xảy chuyện phân tranh giữa hai họ Trịnh, Nguyễn. Họ Trịnh làm
chúa ở phía bắc nước, gọi là Đường ngoài. Họ Nguyễn làm chúa ở phía
nam nước, gọi là Đường trong. Miền núi Tượng sông Tượng của ông
Ruông nằm ở Đường trong. Nhưng dù là Đường trong hay Đường ngoài thì
cũng vẫn là Đại Việt. Đầu thế kỷ mười chín thì triều Nguyễn đổi tên nước
thành Việt Nam, rồi Đại Nam, rồi lại Việt Nam. Đến hậu bán thế kỷ hai
mươi, trong cuộc chiến tranh chống việc xâm lược của người Pháp và
người Mỹ, đất nước có bị phân thành hai miền nam bắc, đất quê ông Ruông
nằm ở miền nam, nhưng dù là miền nam hay miền bắc thì cũng vẫn là Việt
Nam, hậu thân của Đại Việt. Như thế, kể từ cuồi thế kỷ mười lăm trở về sau
thì miền núi Tượng sông Tượng không còn có cảnh nhập vào hay tách ra
khỏi một miền rộng lớn hơn như những thế kỷ trước đó
Ông Ruông cho là đất quê ông đã gặp may. Trải mấy nghìn năm thanh bình
thì ít, chiến chinh ly loạn thì nhiều, thế nhưng miền sông Tượng núi Tượng
của ông đã không bị xóa sổ, có nghĩa cái địa danh ấy vẫn còn tồn tại trên
đời này. Nhưng ông nói đây cũng là nằm trong cái may chung của đất nước.
Là vào cuối đại Cổ Sinh thì nền móng đất nước Việt Nam của ông đã hình
thành xong. Tức đất đai cơ bản của đất nước đã nhô lên khỏi đại dương
nguyên thủy. Nếu không, thì chưa chắc các chu kỳ tạo núi trong các đại
Trung Sinh và Tân Sinh sau đấy đã để cho một dãi đất như thế tồn tại trên
mặt đất này.