ruộng theo cách đó không phải là công việc làm giữa thanh thiên bạch nhật.
Có nghĩa người này làm công việc này trong lúc không có người kia. Có
nghĩa là lén lút. Đến lúc nhìn thấy cái bờ ruộng chung đó còn quá mỏng thì
cả hai đều cảm thấy hoảng hốt (không có bờ thì lấy cái gì để phân biệt
ruộng tôi ruộng anh) nên cả hai liền tung ra thứ ngôn ngữ nhằm ngăn chận
việc làm của đối phương, nói rõ ra là chửi rủa, là nguyền rủa.
Ông nội ông Ruông nói về ông nội ông Rường :
-Đấy là giống người không còn biết liêm sỉ.
(Cũng còn công nhận là con người. Chỉ có điều là con người không còn
phân biệt sai đúng)
Ông nội ông Rường nói về ông nội ông Ruông :
-Đấy không phải là giống người.
(Không còn công nhận là con người)
Tất nhiên là người này nói về người kia trong lúc không có người kia. Sở dĩ
những lời ấy tới tai hai người là nhờ người làng thuật lại. Cho đến hôm cái
bờ chung đó đổ thì cả hai đều nhận ra rằng những lời nguyền rủa nhau kia
là hoàn toàn vô ích. Bỡi những lời ấy có độc địa đến mấy, hay tàn nhẫn đến
mấy, thì cũng chẳng thể thay được cái bờ ruộng chung. Như thế là phải
giăng dây để thay cho bờ. Nhưng cây lúa lại mọc lan, phân bón ruộng bên
này lại chảy qua bên kia. Về cây lúa mọc lan, để mùa lên dễ thu hoạch, hai
ông đã gieo hai giống lúa khác nhau. Và cả hai đều không dùng phân bón
nữa. Cho nên mùa lên, thóc của cả hai khoảnh đều chỉ còn một nửa. Từ đó,
hai người không còn để trông thấy mặt nhau. Còn lòng thù hận thì mỗi
ngày như một to lớn thêm. Cho đến khi có một người trong làng muốn
giảng hòa hai ông, đã đem hai khoảnh ruộng của mình đổi lấy hai khoảnh
ruộng không còn bờ chung ấy, niềm thù hận trong hai con người đó vẫn
chẳng giảm chút nào. Rồi cả hai đều già yếu, không còn ra ruộng nổi nữa.
Rồi ông nội ông Ruông ngã bệnh nặng.
-Hãy sang nói với ông ấy cho cha được nhìn thấy mặt trước lúc chết.
Ông nội ông Ruông nói với người con trai lớn nhất, tức nói với vị tổ phụ
thứ hai, tức cha ông Ruông, tức Lê Hượt.