nhưng phải triệt để theo phương hướng đổi mới. Thú thực là tôi chán cái
kiểu cải lương phủi bụi như anh nói lắm rồi. Nếu các anh thấy quá mệt mỏi
không kham nổi công việc thì cứ đề đạt nguyện vọng.
Bùi Sùng đứng lên, anh muốn nhìn vào mắt Tổng cục trưởng để dò xem
độ sắt đá của ông ta đến mức nào, nhưng ông ta đã chống tay lên trán và
nhắm mắt lại.
*
Ba tháng sau, tự tay giám đốc Bùi Sùng ký quyết định bổ nhiệm Hoàng
Dạ Nguyệt về làm phó chủ nhiệm khách sạn Hà Thành. Hôm Nguyệt lên
nhận quyết định, Bùi Sùng kéo chị vào phòng làm việc, tự tay pha một cốc
nước chanh, đưa mời chị và nói một cách thân tình:
- Trường hợp của cô tôi phải đấu tranh với Tổng cục và bên an ninh ghê
lắm, cuối cùng họ mới chấp nhận ý kiến đề xuất của tôi. Về Hà Thành, cô
cứ việc phát huy hết khả năng nghiệp vụ du lịch của mình và luôn nhớ rằng
lúc nào tôi cũng sẵn sàng làm hậu thuẫn cho cô.
Nguyệt khẽ mỉm cười, nói nhỏ:
- Rất cám ơn các anh. Tôi sẽ cố hết sức mình....
Cầm tờ quyết định trên tay mà sao lòng Nguyệt thấy dửng dưng như thể
đó là một thứ giấy giới thiệu bình thường, giống như những lần chị đi mua
bán trao đổi hay liên hệ công việc gì đấy. Chẳng lẽ mình không còn một thứ
ham muốn quyền chức nào hay sao? Nguyệt tự hỏi. Chị nhớ lại cái lần lên
gặp đồng chí Tổng cục trưởng cách đây gần ba tháng. Hôm ấy rõ ràng là
Nguyệt hồi hộp đến phát run lên khi đồng chí Tổng cục trưởng gợi ý muốn
bổ sung chị vào ban lãnh đạo khách sạn Hà Thành. Suốt đêm ấy Nguyệt bồi
hồi đến khó ngủ. Gối đầu lên ngực chồng, Nguyệt đã tỉ tê nói với anh bao
nhiêu dự định mà chị đã từng ấp ủ và nhất định sẽ biến nó thành hiện thực
nếu quả thực cấp trên có ý định điều chị về quản lý khách sạn Hà Thành.
Thế rồi niềm háo hức mong đợi ấy cứ phai nhạt theo thời gian. Cho đến bây
giờ, sau ba tháng ngâm ngợi, sắp xếp của tổ chức, trạng thái tình cảm của
Nguyệt với việc đề bạt này hoàn toàn đã bị xơ cứng, chai sạn.