nhẹ chữ nghĩa. Họ xuê xoa một cách còn bình dân hơn cả những người
nông dân. Họ thực dụng và bỗ bã hơn cả những kẻ bán thịt ngoài chợ.
Khách nước ngoài gặp họ, họ đâu cần biết hỏi một câu xã giao mà chỉ cần
nhìn để phát hiện xem đó là ta hay địch. Sống với những vị lãnh đạo như
thế tốt nhất là đừng bao giờ bộc lộ một khả năng vượt quá tầm tư duy và
thói ganh ghét đố kị của họ. Chính vì Nguyệt hiểu như thế mà bàn tay thon
dài của Nguyệt hàng năm trời không đặt lên phím đàn. Cây đàn pianô hiệu
Roial, - món hồi môn đáng giá nhất mà bố mẹ Nguyệt tặng Nguyệt khi lấy
chồng có một thời gian dài tưởng là đồ bỏ đi. Nó bị phủ một tấm vải rộng
kê ở góc nhà dùng làm giá để đồ vật, kết hợp làm bàn thờ.
Rất may, cây đàn giờ đây đã hồi sinh. Nó đã trở thành người bạn tri âm
của các con Nguyệt. Nó trở thành người bạn tri kỷ của Nguyệt. Những lúc
vui buồn, phím đàn lại ngân lên tiếng đồng vọng.
*
Vào đúng cái lúc bàn tay Nguyệt đang lướt dồn dập trên phím và chị
đang thả hồn mình trong “Phiên chợ Ba Tư” đầy những âm thanh và màu
sắc rực rỡ thì ngoài ngõ phố, bốn chiếc Dream màu mận chín lao vút từ đại
lộ vào ngõ và phanh kít lại. Cưỡi trên xe là bốn chàng trai trẻ, ăn diện hệt
như nhau, cùng quần bò mưa, áo phông Thái đủ các màu, chân dận tất xù
và giày Adidas. Họ đi ăn tiệc chăng, hay đang tập dượt cho một cuộc đua
mô-tô cỡ quốc gia sắp được tổ chức?
Chàng thanh niên đầu, da ngăm đen, bộ ria mép rậm như một vệt than,
hất hàm về phía ngôi nhà đang phát ra tiếng đàn:
- Đến nơi rồi. Nhà có giàn ăng-ten trên mái ấy. Thằng Bột và thằng Xoăn
lên đi. Dẻo mỏ vào. Hót như họa mi buổi sáng ấy.
Hai thanh niên trẻ nhất bọn, một người da trắng như bột, một tóc xoăn tít
chống xe trên vỉa hè, thoăn thoắt đi vào ngõ. Họ chụm đầu vào nhau hội ý
một điều gì đó, cùng đưa mắt nhìn xung quanh có ý phòng ngừa, rồi nhẹ
nhàng bước lên cái cầu thang bằng gỗ ọp ẹp.
Cộc, cộc, cộc - Chàng tóc xoăn gõ của một cách dè dặt. Tiếng đàn bỗng
im bặt. Thêm mấy tiếng gõ cửa nữa mới nghe rõ tiếng bước chân se sẽ. Rồi