mình. Mười năm ở một nhà máy giấy, anh đã góp phần sản xuất ra hàng
trăm tấn giấy các loại. Nhưng rồi anh bỗng nhận ra một điều: Công lao của
anh và các bạn bè anh hóa ra công cốc. Người ta đã sử dụng những sản
phẩm của anh nhiều khi rất phí phạm, vô bổ. Hàng trăm cuốn sách in ra
chất đầy các thư viện không có người đọc. Những tờ báo giống nhau như
cùng một khuôn mẫu và nhạt hoét, đầy rẫy những thứ ngôn từ sáo rỗng, kêu
như chuông nhưng chẳng mảy may làm rung một tế bào của người đọc,
trong khi cuộc sống đời thường với bao nhiêu oan trái, bao nhiêu lo toan,
trăn trở cần được thông tin, giãi bày, tranh luận. Tuấn lại xin trở lại tờ báo
ngày xưa. Và, lần này, ngòi bút của anh bỗng xuất thần, trở thành một vũ
khí thực sự. Những bài phóng sự điều tra của anh làm rung chuyển người
đọc. Anh là người đồng nghiệp tiên phong của nhà báo N.V.L, một cây bút
xông xáo và lịch lãm, đáo để mà nhân hậu, sắc sảo mà thâm trầm văn hóa,
chính anh đã moi ra vụ nhà tù giam người ở hợp tác xã V., đã lôi ra ánh
sáng công luận một tên sâu mọt dùng quyền chức để ăn cắp của nhà nước
hàng tỉ đồng và mua chuộc, dọa nạt để chiếm đoạt thân xác bốn mươi cô
gái. Chính anh cũng đã góp phần trả lại danh dự cho một đảng viên lớp đầu
cách mạng bị bọn người xấu trù dập, bôi nhọ, bênh vực một công ty làm ăn
giỏi nhưng bị vu oan là có khuynh hướng tư bản chủ nghĩa…
Nhưng rồi chính sự hăng hái của anh đã phải trả giá. Khi bài điều tra về
sự bê bối của một bí thư tỉnh ủy nọ vừa kịp lên khuôn thì một cú tê-lê-phôn
từ đâu đó gọi đến nhà in ách ngay lại. Rồi công văn, thư khiếu tố, thậm chí
hàng chục đơn nặc danh vu cáo anh đã ăn hối lộ của bọn người xấu bôi nhọ
chính quyền, chống Đảng, làm mất lòng tin trong quần chúng. Bài báo vĩnh
viễn nằm trong ngăn kéo của Tổng biên tập đã đành, mà chính anh cũng bị
gọi lên gọi xuống, chất vấn, điều trần hàng chục lượt. Cũng may không bị
tù. May mà các đồng ngiệp của anh sau đó bằng mọi cách cũng đã nói ra sự
thật. Nhưng nhà báo Nguyễn Tuấn hầu như đã chết. Anh không thể viết
được nữa. Cái chết của một lòng tin nhiều khi còn đau đớn hơn cái chết về
mặt thể xác. Vẫn sống, vẫn nghĩ ngợi, căm ghét, thương yêu, phẫn nộ đấy
mà chán chường và nghi ngờ hết thảy.