một mối tình đơn phương, cuồng nhiệt và thầm lặng, nồng cháy và trong
trắng như tình yêu của con chiên với Đức Chúa Trời.
Bây giờ, sau ba năm xa Việt Nam đến công tác ở các nước vùng Đông
Nam Á, sau bao lần chung chạ với những người đàn bà Nhật Bản, Thái
Lan, Xingapo, Hồng Kông, Pôn Vericơn vẫn không thể quên được Dạ
Nguyệt. Vừa đặt chân đến Hà Nội, anh lao ngay đến khách sạn Hoa Sen tìm
Dạ Nguyệt. Người ta nói rằng nàng không còn làm việc ở đó. Pôn thẫn thờ
như kẻ mất hồn. Biết tìm nàng ở đâu giữa một đất nước mà sự giao tiếp
giữa người nước ngoài và các công dân hoàn toàn bị cấm kị?
Trong khi chờ đợi để cải tạo một ngôi biệt thự cũ thành cơ quan đại sứ
của nước Cộng hoà Scăngđi, người ta bố trí cho ngài đại sứ Ramuncátsen
và đoàn tuỳ viên của ngài ở tại khách sạn Hà Thành. Cái khách sạn này so
với khách sạn Hoa Sen ngày Pôn ở thì có vẻ hiện đại và sang trọng hơn
nhiều, nhưng với Pôn thì quả là quê kệch và nhếch nhác. Bởi vì ở đây anh
là người xa lạ, ở đây không có Dạ Nguyệt, "đêm trăng vàng" của anh nữa
rồi.
Đang chìm đắm trong những kỷ niệm, Pôn Vericơn chợt giật mình quay
lại khi nghe đằng sau anh tiếng ngài đại sứ thất thanh:
- Pôn Vericơn! Tôi không thể nào hiểu được. Đang tắm thì mất nước.
Pôn tròn xoe mắt nhìn ngài đại sứ toàn thân trắng toát bọt xà-phòng đang
cố kéo chiếc khăn tắm che đi nửa phần dưới thân.
Pôn nhảy bổ vào phòng tắm. Anh vặn các vòi nước nhưng tất cả đều
không còn một giọt.
- Xin ngài đại sứ bình tĩnh. Tôi sẽ đi gặp ông chủ nhiệm khách sạn.
- Ông hãy điện ngay cho Vụ lễ tân Bộ ngoại giao Việt Nam. Tôi không
thể đến trình Quốc thư với cái thân người đặc mùi xà-phòng thế này được. -
Giọng ngài đại sứ nhão ra như người kiệt sức.
- Tôi sẽ làm mọi việc có thể, thưa ngài.
Pôn lao xuống cầu thang. Anh xồ ra một tràng tiếng Anh khi bắt gặp ở
phòng lễ tân người nhân viên khách sạch đầu tiên.