rồi. Cậu mỏi mệt rã rời, khóc với ai ở đây? Cậu nghĩ thế và vụt đứng dậy
mà vẫn không kìm được tủi thân. Cậu cất tiếng gào thảm thiết:
- Bố ơi! Mẹ ơi!
Người ta nói rằng khi con người sắp chết thì thường cất tiếng gọi người
thân. Vì thế sau tiếng khóc gọi bố, mẹ, Dũng lại càng hoảng. Hết lo sợ cho
mình, lại nghĩ đến bố mẹ. Các chú thợ săn về mà không thấy cậu thì mẹ cậu
chết mất. Ôi cậu đã làm được gì đỡ đần cho mẹ đâu, mà bao lần đã làm cho
mẹ đau đớn. Rồi Dũng lại nghĩ đến bố. Ông là một người gan dạ và đôi khi
liều lĩnh. Chưa chừng biết cậu bị lạc, một mình một ngọn mác, ông xẻ rừng
mà đi trong đêm để tìm bất chấp hổ báo, rắn rít cũng nên. Có thể không
giống như mẹ, bố cậu không sụt sùi, không hốt hoảng, ông sẽ cắn môi đến
bật máu để nén nỗi đau buồn, sẽ bóp tưởng đến nát cả vầng trán rộng để
tính toán xem nên đi tìm con ở đâu, và phán đoán xem liệu có gì không
may xảy ra với cậu không? Bố ơi trong cảnh ngộ này bố làm thế nào hả bố?
Phải tĩnh tâm và can đảm! Dũng tưởng như nghe rõ lời bố bên tai. Cậu thôi
khóc. Dù sao thì bên mình cậu vẫn còn có những thứ cần thiết cho đêm nay
mà mẹ đã lo sẵn: mo cơm đeo bên hông và bao diêm trong túi vẫn chưa
ướt. Phải tìm chỗ nào đó để nghỉ tối nay. Không thể cắm lều, nằm dưới đất
qua đêm giữa rừng sâu nhiều thú dữ này.
Cậu tìm được mấy cây dẻ đỏ mọc gần sát nhau, trên ngọn lại có chạc.
Cậu chặt cây con và cắt dây rừng, leo lên ngọn làm chòi. Công việc này
cũng nhờ bố từng chỉ vẽ nên cậu làm rất thành thạo. Cậu kiếm lá cọ rừng
lợp mái, chặt lồ ô chẻ ra làm dát. Cậu còn ken các đoạn gỗ tươi lại, đắp đất
lên làm một cái bếp. Củi trong rừng không hiếm. Mặc dù trời vừa mưa,
nhưng những cây nứa tép vẫn khô, cậu kiếm củi và chặt nứa làm đuốc,
chuyển cả lên chòi. Cậu làm những việc này bình tâm như làm việc trên rẫy
hay trong vườn nhà, chẳng nghĩ đến chuyện sợ hãi. Cậu lại chặt một cây lồ
ô non chứa đầy nước. Chỉ cần dồn nước vào đầy hai ống là cậu có nước đủ