- Nhung không cốt để chữa bệnh mà cốt giữ sức. Nếu thầy cháu ăn được
cháo rồi thì thái mỏng vào cháo. - Ông đưa cho cô gái một cái gói nhỏ khác
- Còn đây là một ít sâm. Nếu thầy cháu quá mệt thì cắt một lát bằng nửa
miếng cau, hãm độ nửa chén uống rượu nước, cho thầy cháu uống. Cẩn
thận, đừng cuống quýt mà đổ cả nước sôi lẫn bã sâm vào mồm ông già đấy.
Bà Giáp nài nỉ cô gái ở lại, nhưng nom cô xốn xang như kiến bò trên
chảo nóng. Cô nói rấm rứt:
- Thầy cháu mệt lắm. Cho cháu về để kịp thuốc thang cho thầy cháu.
- Này, cháu! - Bác chủ bạn săn làng Mít bỗng gọi. - Chờ bác, bác đưa về.
Không được đi đường rừng một mình.
Bác chủ bạn săn làng Mít đứng dậy, sửa soạn ra về. Ông Giáp nhìn khắp
lượt bốn bạn săn của mình. Chú Tín như hiểu ý, nói:
- Để tôi cùng đi, nhân đưa phần cho mấy bác chủ thuyền.
Chú Tín xách lấy cái nạnh lưng con hoẵng. Còn ông Giáp thì trao cho
bác chủ bạn săn một chai rượu cao hổ cốt, bác nói:
- Anh em mình bây giờ đôi khi đã thấy đầu gối long long. Xin biếu anh,
khi nào thấy xương cốt nhức nhức thì uống.
Vợ chồng ông Giáp tiễn ba người ra tận cổng. Con Báo Vàng chạy theo
chân cô gái tới tận cuối cánh đồng mầu, ông Giáp gọi mãi nó mới chịu
quay lại. Cuộc vui lại tiếp tục, nhưng không khí hăng say, náo nức của một
ngày săn thắng lợi buổi đầu bữa tiệc, giờ được thay vào sự đằm thắm, sâu
lắng, ân tình. Nhân chuyện con Báo Vàng đã cách biệt hàng năm ròng vẫn
còn nhớ về chủ cũ, ông Giáp chợt nhớ đến, nghĩ đến chuyện đời, chuyện
con người mà ông từng thấy. Ông trở lại với chuyện chém chết con hổ bạc
mày cướp lại xác bạn - Ông Cầu - Và chuyện ông Trương Báu phản bạn.
Bấy giờ ông Giáp cùng hai người bạn là ông Cầu và ông Báu chung nhau
làm một cái rẫy. Rẫy lúa của họ tốt lắm. Khi lúa bắt đầu chín, họ làm ba cái
chòi ở ba góc rẫy để canh lợn rừng. Chòi rất cao, hổ không thể nhảy tới, lại
có cửa đóng mở mỗi lần chui lên chui xuống. Đêm đến họ giao hẹn nhau hễ
chòi này cất tiếng đuổi thú hoặc đánh một hồi mõ thì hai cái chòi kia phải
lên tiếng đáp lại để báo cho nhau biết. Nếu chòi nào im lặng có nghĩa là chủ