trào lên trong ông. Giờ một mình có nên liều đến với con thú dữ đang say
mồi trong đêm tối không? Ông lắc đầu, gạt phắt ý nghĩ hèn nhát ấy đi, xách
mác bằng đi về phía chòi bạn. Cái chòi ông Cầu đang rung lên bần bật.
Đêm đầu tháng, trăng đã lặn, trời tối nhờ nhờ, ông nghe thấy tiếng nước
nhỏ tí tách trên lá chồi, lá lúa. Ông đưa bàn tay ra hứng rồi đưa lên mũi
ngửi. Có mùi tanh. Máu của bạn ông đã đổ. Vừa thương bạn, vừa giận kẻ
phản bội và căm thù con thú dữ, người ông nóng ran lên. Ông ẩn mình vào
cụm chồi cây tốt bên cái cột chòi sát cửa, mác bằng giơ cao, chực sẵn. Con
chó biết ý, cũng chui vào bụi chồi cạnh ông. Ông chắc mẩm thế nào con hổ
cũng tụt xuống cột chòi này. Nhưng không. Nó lách cửa chòi, ném xác ông
Cầu xuống trước, rồi từ trên chòi nhảy phốc xuống. Ông đang nghĩ rất căng
để tìm cách khác. Còn con hổ thì đang ham mồi, không để ý đến xung
quanh. Vừa nhảy xuống đất nó đã chồm lên xác người chết. Rất nhanh, ông
Giáp giơ mác bằng quá đầu, giáng một nhát sấm sét xuống, tiện ngang sống
lưng con hổ. Con hổ nằm vật xuống đất. Bỏ con hổ đã chết ở đấy, ông lau
nước mắt, vác xác bạn về làng...
Chuyện con chó mến chủ, chuyện con người phản bạn lúc hoạn nạn đến
với ông. Nhen lên cùng một lúc bao nhiêu tình cảm trái ngược nhau: cảm
phục, mến yêu, oán ghét, trách móc. Nhân có chén, ông nói với các bạn thợ
săn:
- Tôi có bài thơ, đọc anh em nghe nhé! - Rồi ông đọc:
“Khuyển nhi mãi khứ cánh vô thân
Do phụ y y cựu chủ nhân.
Đa thiểu đắc tân vong khứ cựu.
Nhân tình bất cập khuyển tình chân”
Ông giảng giải:
- Ý tứ bài thơ là thế này: “Chó đã bán đi rồi, chẳng còn chút ràng buộc
gì, vậy mà nó vẫn đinh ninh nhớ chủ cũ. Còn con người, bao nhiêu kẻ được
mới nới cũ, tình con người không bằng tình con chó là chuyện có thật!”.
Thế đấy. Con người phải sống cho phải đạo để vượt lên trên con thú không
phải dễ.