chốc ào ạt hiện về. Thắng như đang mê đi, như đang được sống lại quãng
đời thơ ấu ngày nào. Những ngày còn ở chiến khu Việt Bắc, giữa rừng già
Khuẩn Cảm, núi đá vôi Chợ Chu, rừng vầu Quán Vuông... Có những ngày
mưa buồn, dài lê thê như không bao giờ dứt. Những cơn mưa giăng giăng
từng lớp trên các triền núi, đuổi nhau từng đợt như những con sóng rồi đổ
ào xuống cánh rừng trầm mặc. Những ngày như thế ông Thành, cha của
Thắng thường tạt về nghỉ phép thăm gia đình. Cả mấy bố con bụng lép kẹp.
May mắn lắm mới có hôm được lót dạ buổi sáng bằng mấy củ khoai luộc.
Loại khoai vỏ đỏ, dài, mới là dây chứ chưa thành củ. Trong chiếc áo
bludông Mỹ mầu lá cây rộng thùng thình khoác trên đôi vai rộng mà xương
xẩu, ông Thành thường đi đi, lại lại, toàn bộ trong căn nhà tranh chập hẹp,
nền dốc thoai thoải theo sườn đồi nằm ép giữa những lùm cây ven đường.
"Ta đi trong một chiều thắm, vang lời ca vào trong khóm lá, nơi u sầu u,
ù, u, ú, u, u..." Cặp mắt mở to nhưng vô định hướng về những lớp mưa bay,
hết lớp này đến lớp khác, và không hiểu nghĩ gì mà tự nhiên ông cao hứng
cất lên tiếng hát. Tiếng hát từ đáy lòng sâu thẳm, từ những kỷ niệm của thời
thanh niên sôi nổi ngày nào mới qua đi. Tiếng hát khiến ông gợi nhớ về
những buổi cắm trại, đua xe đạp, đồng diễn thể dục, thi đấu võ thuật của
Hội hướng đạo sinh thuở trước. Và là những nỗi buồn vơ vẩn sau những
đêm lửa trại, cũng bỗng chốc hiện về như xô đẩy, chen lấn không khí hào
hùng hiện tại. "Chiều về hôm nay. Khi gió mùa thu. Ai ngồi bên sông mơ
bóng chim cu. Chim rừng chim reo ríu rít rập rờn. Chim rừng chim reo ríu
rít rập rờn trong bóng chiều. Chiều về hôm nay...". Ông lại tiếp tục hát,
giọng mượt mà rất đúng giai điệu buồn mà thiết tha. Cậu bé Thắng lúc đó
khoảng năm sáu tuổi là cùng. Nhưng hình như Thắng được bố yêu chiều
hơn cả. Nhất là từ sau lần chết hụt trong trận Tây nhảy dù Bắc Cạn. Lúc đó,
cu Thắng thường chui đầu vào giữa hai chân người cha. Hai tay nó vùng ra
ôm chặt lấy hai chân bố. Đôi chân trần của nó lúc co lên, lúc lê theo những
bước đi tản bộ, chậm chạp của người cha. Tiếng hát ngọt ngào, tha thiết
nhưng hơi đượm buồn từ một tâm hồn đang bồi hồi xúc động, như rót vào
tai Thắng một thứ nước quả vô cùng dịu ngọt "Chiều bâng khuâng như