Phần
2
Ở
một cái lán cao, giữa rừng vầu trên chiếc bàn viết được ghép bằng
những ống nứa, Thắng đã đặt bút viết và tập đọc bài học chính tả đầu tiên.
Đó là bài nói về tình cảm quốc tế của một bà mẹ Nga với một em bé Việt
Nam. Thắng vừa xuýt xoa nuốt nước bọt, vừa cặm cụi ghi câu, mà có lẽ đến
phút chót của cuộc đời anh vẫn có thể nhớ lại như in: "Mẹ vừa âu yếm hỏi
chuyện, vừa thái thịt cho Hiền ăn". Không riêng một mình Thắng, mà cả
hai chục cái miệng non nớt của lớp học đều ồ lên thích thú mỗi lần thầy
giáo già thọt chân đọc lại câu đó. Chỉ riêng có thằng Hưng, con ông Vượng,
cùng làm ở xưởng quân giới với bố Thắng là tỉnh bơ ngồi im. Phải chăng
những trận sốt rét rừng, rồi những trận phù, mặt vàng bủng ra, ấn ngón tay
vào má vết lằn hàng nửa tiếng mà vẫn còn y nguyên vì đói, vì thiếu đủ loại
vitamin đã là bằng chứng xác thực nhất làm bật lên thứ tình cảm sâu kín,
bản năng nhất của tuổi thơ. Riêng với Thắng, anh không thể quên, mỗi buổi
sáng ngủ dậy, lẩy bẩy ngồi xuống mảnh chiếu rách trải trên nền đất, trước
chiếc mâm gỗ chỏng chơ đĩa sắn luộc, bát muối vừng mặn chát với hai lưng
cơm độn nhiều ngô hơn gạo. Ôi cái giống ngô được trồng tỉa giữa khe nứt
của những tảng đá sau nhà mới kỳ lạ làm sao. Hạt của nó không trắng,
không vàng mà phơn phớt tím. Thứ hạt mà có ninh hàng giờ với nửa gánh
củi gộc mà vẫn trơ ra như những viên sỏi. Hàm răng sữa của Thắng lúc bấy
giờ không sao nghiền nó vỡ nổi. Thắng luôn liếc nhìn trộm mẹ và thừa cơ,
tranh thủ gắp bỏ từng hạt ra giấu vào góc mâm. Nhưng không bữa nào, mẹ
Thắng không phát hiện ra. Mỗi hạt ngô bỏ ra Thắng phải chịu hình phạt là
một cái cốc vào đỉnh đầu, kèm theo tiếng rít qua nước mắt "mày có tọng
vào không? Có tọng cho đầy diều không thì bảo bà?".