nay mong được khốn khổ như thế mà còn chưa được đấy! - Ngó vào đám
đông, Thắng đột nhiên xổ ra một câu như thế. Rồi mọi người cũng lặng lẽ
tản ra. Thôi về đi! Ngồi mà ăn vạ gì đấy nữa? Trước khi đi, Thắng còn nói
một câu khiêu khích, châm chọc nữa mới buông tha.
Than ôi! Mãi sau này, khi đã thực sự sống ở Nga rồi, nghĩ lại Thắng mới
thấy ân hận vì sự nhẫn tâm thô bạo của mình mà nguyên nhân chỉ vì sự
thiếu từng trải và cả tin gây ra. Thắng muốn kể cho bà Natalia hiểu ngọn
ngành tất cả những gì đã diễn ra mà anh nhớ lại được. Nhưng cuối cùng,
anh chỉ ngập ngừng đáp lại câu hỏi của bà thiếu tá.
- Mục đích đến đây?
- Để học tập.
Bà Natalia liếc nhanh xuống mặt chiếc đồng hồ hình bầu dục đeo ở cổ
tay. Hãy còn sớm, vả lại hôm nay chỉ có một vận đơn xin gửi hàng, lòng bà
lại thanh thản, bởi thế bà ngả chiếc bút bi xuống mặt bàn, hỏi một câu như
tâm sự, không có trong tờ khai.
- Thế việc học của anh ra sao? Có khó khăn không?
- ồ, cảm ơn bà! Tôi học như thế nào ư? Thưa bà, không đến nỗi tồi.
- Thế nào! Chỉ không tồi thôi à? Tôi nghĩ anh học xuất sắc là đằng khác.
Nhưng anh khiêm tốn đó thôi.
- Bà không tin ư? Quả thực là không dễ một chút nào, nhất là năm học
đầu tiên, tiếng tăm còn hiểu lõm bõm. Những lúc giảng viên giảng hay
nhất, hùng hồn nhất hoặc bi hài nhất, lũ Việt cộng chúng tôi mặt cứ nghệt
ra. Có căng tai lên mà nghe cũng là vô ích. Tôi phải tìm một "góc chết"
được che chắn bởi những sinh viên Nga to béo, ngồi lọt thỏm vào đó, thích
nghe thì nghe, không thì viết thư về nhà cho gia đình, bè bạn. Thậm chí còn
có thể đánh một giấc ngủ ngon lành.
Giờ thảo luận tổ (xemina) có gay go hơn. Đó là giờ để sinh viên nói chứ
không phải nghe, không thể ngủ hoặc viết thư được - Muốn không phải
đứng "chào cờ", tôi chủ động chuẩn bị trả lời trước một vài câu hỏi dễ
dàng, giản đơn, thậm chí, giả vờ nêu thắc mắc để được nghe giải đáp.