cũng thơm ngon ra phết. Tao nhớ có một lần, nhà tao đã đóng cửa hàng,
nghỉ ăn tết. Đúng vào đêm giao thừa, có đoàn dân công hết hạn ghé qua.
Bao nhiêu bánh trái, thịt thà họ sà vào ăn hết. Mẹ tao thấy đắt hàng quá, cả
bánh tết cũng đem ra. Còn tao thì giẫy lên đành đạch khóc bắt đền. Như lần
khác sẽ nhừ đòn. Nhưng lần ấy, chắc vì thương hay cảm động thế nào, bà
chỉ dỗ ngon, dỗ ngọt. Được thể, tao càng làm già. Cuối cùng bà lại phải
phết cho một trận mới yên.
- Còn em, mẹ mất từ ngày em rất nhỏ. Đến nay em chẳng nhớ được gì
nữa.
- Những kỷ niệm làm cho cuộc sống có bề dày và phong phú lên. Không
có những kỷ niệm, đó cũng là một thiệt thòi đấy. Nhưng thôi, cái chính là
hiện tại... hiện tại chúng ta phải phấn đấu làm sao để con cái chúng ta có
được những kỷ niệm đẹp, no ấm từ tuổi ấu thơ. Biết đâu được, giờ này, ở
nước mình, có biết bao nhiêu người đang ước ao, khát vọng và chúc tụng
nhau sẽ có được cái tết xa nhà như chúng mình bây giờ.
Lời phán đoán của Thắng như một liều thuốc an thần phần nào đã làm
dịu được nỗi lòng của Huy và cả nỗi lòng của bản thân anh.
- ở Việt Nam chúng tôi có câu châm ngôn thế này "Có ăn nhạt mới biết
thương mèo". Hồi còn ở trong nước với những nỗi khát khao đi đổi đời ở
nước ngoài, tôi đã xử sự thiếu nhân bản với một người đàn bà khi chị ta
tiễn chồng đi công tác xa. Thay vì những lời tâm sự về nỗi nhớ nhà của
mình, Thắng vắn tắt kể lại câu chuyện xảy ra ở sân ga ngày ấy - Cho đến
bây giờ, khi đã là người trong cuộc, tôi mới hiểu ra thì đã muộn. Mong
người đàn bà không quen kia hãy tha thứ cho tôi! - Anh ân hận thốt lên.
- Thế còn những người ở nhà? Họ sống có dễ chịu hơn các anh ở đây
không? - Như để cảm thông và xoa dịu nỗi ăn năn ân hận của Thắng, bà
thiếu tá tiếp tục đưa ra những lời tâm sự.
- Cũng tuỳ bà ạ! Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Riêng ở gia đình
tôi, có thể vợ con tôi chịu đựng dễ dàng hơn...
- Cô ta là một phụ nữ cứng rắn như thế ư? Bà vừa hỏi, vừa giơ một bắt
tay lên.