“Nếu chúng ta dời những người đi lễ vào khán phòng, và không cho những
người xứng đáng tham dự buổi lễ, như vậy cũng đồng nghĩa với việc bọn
khủng bố đã chiến thắng, đúng không?”
“Đôi khi nên để cho bọn khủng bố giành được chiến thắng nho nhỏ còn hơn
là chúng ta phải chịu những thất bại nặng nề”.
“Dân tộc cậu vốn nổi tiếng về việc sống đối mặt với những đe dọa khủng bố
mà”.
“Chúng tôi vẫn đang có những biện pháp đề phòng”, Gabriel nói. “Ví dụ
không ai có thể đến nơi công cộng mà không bị lục soát”.
“Thế thì hãy lục soát những người hành hương và tiến hành những biện
pháp phòng ngừa cần thiết”, Giáo hoàng đáp lại. “Nhưng ta sẽ có mặt tại
quảng trường Thánh Peter chiều mai, nơi ta thực thi bổn phận của mình.
Trách nhiệm của các anh là phải đảm bảo không có chuyện gì xảy ra”.
Đồng hồ mới hơn mười giờ khi Donati đưa Gabriel xuống các bậc thang
dẫn từ Cung điện Tòa thánh đến Via Belverdere. Màn sương nhẹ đang
buông xuống; Gabriel kéo khóa áo khoác và vắt chiếc túi du lịch lên vai.
Donati không mặc áo khoác, dường như ông không cảm thấy lạnh. Mắt ông
nhìn xuống đá lát đường khi họ đi ngang qua bưu điện trung tâm Vatican về
phía cổng Thánh Anne.
“Anh có chắc không cần ta cho đi nhờ xe không?”
“Cho đến sáng nay tôi vẫn nghĩ mình không bao giờ được đặt chân đến nơi
này một lần nữa. Tôi muốn dùng cơ hội này để đi dạo”.
“Nếu cảnh sát Ý bắt anh trước khi về tới căn hộ, hãy nói họ gọi cho tôi. Đức
Thánh Cha sẽ đảm bảo cho sự an toàn của anh”. Họ rảo bước trong yên lặng
một lát. “Tại sao anh không quay lại đây luôn?”
“Quay lại Ý? Tôi e rằng Shamron có những kế hoạch khác cho tôi”.
“Chúng tôi nhớ anh”, Donati nói. “Tiepolo cũng vậy”.
Francesco Tiepolo, một người bạn của Giáo hoàng và Donati, là chủ công
ty phục chế tranh thành công nhất ở Veneto. Gabriel từng phục chế hai bức
họa sau bàn thờ nổi tiếng nhất của Bellini cho ông. Gần hai bức thôi, anh
nghĩ. Tiepolo phải tự hoàn tất bức San Giovanni Crisostomo sau khi Gabriel
phải rời bỏ Venice.