này, tức là họ sẽ không ám hại đời anh, phía tấn công, cho dù họ là ai đi
chăng nữa, chỉ muốn làm chủ cá nhân anh.
Nhưng mục đích của cuộc bắt cóc này là gì?
Không dễ gì trả lời được câu hỏi đó. Bọn cướp ư? Chúng sẽ chẳng phải
nhọc nhằn “đóng gói” nạn nhân một cách chu đáo như thế này, trong khi
nhát dao tỏ ra nhanh hơn và chính xác hơn. Nếu bọn cướp chú ý đến cái tài
sản con thuyền rách nát thì thật là toi công cho chúng.
Báo thù ư? Càng khó tin hơn nữa! Ilya Bruso không có kẻ thù! Những
kẻ thù duy nhất của Latco là bọn Thổ Nhĩ Kỳ, không thể nào ngờ được rằng
một người Bungari yêu nước đang mang danh người câu cá, mà cho dù
chúng có biết điều ấy đi chăng nữa, thì anh chẳng phải nhân vật quan trọng
đến mức chúng phải liều lĩnh gây hành động bạo lực này tại trung tâm đế
quốc Áo và lại nằm quá xa biên giới. Hơn nữa, bọn Thổ chỉ cần trừ khử anh
như trừ khử một tên cướp là xong.
Nghĩ ngợi mãi cũng chẳng thấy được tia sáng nào. Xecgay Latco là
người thực tế, thôi không suy gẫm về điều đó nữa và anh bắt đầu theo dõi
các biến cố và tìm cách để tháo cũi sổ lồng khi có dịp.
Thật tình mà nói, tình trạng của anh không thích hợp cho sự quan sát. Bị
buộc chặt bằng dây thừng, anh đã vô phương cử động, còn đôi mắt thì lại bị
bịt kín bằng tấm vải khiến anh không làm sao biết được ranh giới ngày và
đêm nữa.
Giỏng tai nghe ngóng, anh tin chắc mình đang nằm ở đáy thuyền và một
điều nữa là con thuyền đang lướt vùn vụt dưới những tay chèo lực lưỡng.
Anh lắng nghe và phân biệt rất rõ tiếng trèo trẹo của mái chèo khi cọ xát
vào cọc chèo và tiếng nước vỗ mạn thuyền.
Con thuyền đi đâu đây? Đó là câu hỏi thứ hai mà anh có thể giải đoán
được khá dễ dàng, căn cứ theo ranh giới nhiệt độ dễ thấy của sườn trái và
sườn phải của mình. Những cái xốc thuyền theo mỗi bận quay chèo chứng
tỏ rằng anh đang nằm cùng hướng thuyền, còn lúc bọn người vô danh này
tấn công anh thì mặt trời vẫn chưa lạc khỏi kinh tuyến, Latco dễ dàng kết
luận được là phân nữa thân mình của anh đang nằm trong bóng tối mạn