NGƯỜI KHẮC BIA MỘ - Trang 70


Bây giờ, trời đang vào tháng sáu. Mưa cũng đã điều hòa một nhịp. Thụy đã
nghỉ hè và đang ôn bài thi. Đôi lúc, trong đầu óc bé bỏng của nó, cũng hiện
lên nhiều nỗi băn khoăn. Thụy nghĩ ngày tháng đã trôi quá nhanh. Mới
ngày nào bước vào thu, Thụy mới lên lớp năm, vẫn còn lười học lắm, vẫn
còn mê mải theo chiếc lồng đèn tàu chiến của anh Đỗ làm cho, mà nay đã
đến giữa mùa hạ. Thụy sắp thi vào lớp sáu. Chóng quá! Và Thụy ngơ ngác
tự hỏi rằng, với thời gian ấy có đủ để một người chiến sĩ nằm xuống tan rữa
thịt xương? Thụy thấy mình không còn ngây thơ nữa, đúng vậy, kể từ ngày
anh Đỗ mất bóng ở xóm nghèo.

Thụy cầm vở đi lững thững sang nhà bác Liêu. Căn nhà đã xơ xác càng xơ
xác hơn. Thụy nhận thấy mấy chấn song đã gãy mục, xiêu vẹo, chẳng có ai
buồn đóng lại. Cây mận già tự do đâm cành lá ở một nửa sân, mà trái thì
không hề thấy. Cả lũ chim sẻ thường chuyền nhảy, hót đùa, hình như cũng
trốn ở đâu. Thụy ngơ ngác đứng nhìn qua hàng rào, thấy bác Liêu đang đục
đẽo trên một tấm đá. Bác vẫn miệt mài làm công việc đó hàng ngày, một
mình. Tự nhiên Thụy thấy nao nao lòng. Nó đẩy cổng rào, bước vào, đến
bên bác Liêu. Nghe tiếng động, bác Liêu ngước nhìn lên. Thụy ôm vở trước
ngực đứng sừng sững trước mặt bác, giống hệt như hình ảnh của Đỗ hồi
còn bé. Bác Liêu nói như trong mơ:
- Con đó à? Ngồi xuống đây đi con.
Thụy thấy se lòng. Nó hỏi:
- Bác làm hoài vậy bác? Bác không mệt hở bác?
- Không con à.
Thụy thấy mái tóc bác Liêu đã bạc gần hết. Từ ngày được tin anh Đỗ mất
tích đến nay, con người bác đã sa sút thấy rõ. Bác già đi đến cả chục tuổi và
bắt đầu yếu mệt với những cơn ho dài thượt. Thụy khoắng mấy ngón tay
vào lon sữa bò đầy nước, rồi tẩn mẩn cầm chiếc đục lên, nói:
- Bác khắc đẹp quá bác ạ.
Bác Liêu cười xa vắng:
- Đẹp chi mô con. Mỗi con người đều được chết và được một nấm mộ.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.