- Nếu thế thì do bọn chúng!
- Ít nhất cụ cũng nên nhấn mạnh bản tuyên bố bình thản của cụ bằng
một câu.
- Có lẽ thế… Xem nào, viết gì?
Tôi cầm lấy bút, viết thêm: “Phải khua mõ ngay từ hôm nay!”
- Phải, đó là một cách kết thúc.
Nhưng cụ lại đổi ý, và gãi đầu:
- Cũng chẳng đơn giản đến thế.
Như thế đó, con ma của khởi nghĩa, nhà hùng biện đeo găng đen, con
người đã tập hợp hàng trăm ngàn người tại Quảng trường Mác, mà tài liệu
Tasơrô định vu cho là một tên phản quốc.
Người ta bảo rằng chiếc găng đen kia che giấu một bệnh hủi; rằng cặp
mắt cụ nhòa cả mật lẫn máu… trái lại, cụ có bàn tay sạch sẽ và con mắt
trong sáng. Cụ giống như một nhà dạy trẻ, kẻ kích động những biển người
ấy!
Và chính đấy là sức mạnh của cụ.
Những tay hùng biện có bộ dạng hoang dã, vẻ mặt sư tử, cổ bò mộng,
nhắm vào cái thú tính ngang tàng hoặc man rợ của đám đông.
Còn cụ Blăngki nhà toán học lạnh lùng của nổi loạn và trả thù, dường
như cầm trong các ngón tay gầy gò, bảng tổng kê những đau khổ và quyền
lợi của nhân dân.
Lời nói của cụ không bay như loại chim lớn, với tiếng đập cánh mênh
mông, trên những quảng trường công cộng, ở đó người ta thường không
quan tâm đến suy nghĩ, mà muốn được ru ngủ bằng thứ âm nhạc vô bổ cho
tư tưởng do mọi cảnh náo nhiệt rộng lớn gây nên.
Những câu nói của cụ như những mũi gươm cắm xuống đất, nó run
rẩy và rung động trên thân bằng thép của nó. Chính cụ đã nói: “Kẻ nào có
sắt thì có bánh”.