Bằng một giọng nói bình tĩnh, cụ buông rơi những lời như chém
xuống, vạch một đường sáng trong đầu óc người dân ngoại ô và một vệt đỏ
trong thịt bọn tư bản.
Và chính vì cụ nhỏ nhắn và có vẻ yếu đuối, chính vì cụ như kẻ hấp
hối, chính vì vậy mà con người còm cõi đó, bằng hơi thở ngắn ngũi, làm
cháy bùng cả đám đông, và họ lấy vai làm kiệu khênh cụ lên.
Sức mạnh cách mạng nằm trong tay những người mảnh dẻ và những
người giản dị… nhân dân yêu mến họ như yêu đàn bà.
Có chất đàn bà trong con người Blăngki ấy, cụ bị bọn cổ điển của
Cách mạng buộc tội là phản nghịch, cụ đã gợi lên, để tự bảo vệ, những kỷ
niệm về gia đình cụ bị bỏ rơi vì chiến đấu và vì tù tội, và bóng ma của
người vợ yêu chết vì đau khổ – nhưng vẫn luôn luôn ngồi trước mặt cụ,
trong cảnh cô đơn của ngục tối, mà gió biển khóc than đập bên ngoài.
Năm giờ – Bãi La Coocđori.
Buổi chiều nay, nhân dân đã hội họp.
Cái chính trị lối cũ phải chết ở chân giường trên đó nước Pháp nằm đẻ
đang hấp hối – nó không thể đem lại cho chúng ta sự khuây khỏa, cũng như
hạnh phúc.
Vấn đề là không nên đầm mình trong vũng phân người ấy, và muốn
cho cái nôi của nền Cộng hòa thứ ba khỏi thối nát trong đó thì phải trở lại
cái nôi của cuộc Cách mạng đầu tiên.
Ta hãy quay trở lại phòng Jơ-đờ-Pôm.
Jơ-đờ-Pôm, vào năm 1871, nằm ngay giữa trái tim của Pari thất trận.
Giữa viện Tămplơ và Tháp nước, không xa Tòa Thị chính, các bạn có
biết một cái bãi hết sức ẩm thấp, nằm kẹp giữa mấy dãy nhà. Những người
buôn bán nhỏ ở tầng dưới của những ngôi nhà này, con cái họ thường chơi
ở ngoài vỉa hè. Không có xe qua lại. Các tầng gác xép đầy những người
nghèo.
Người ta gọi cái bãi trống hình tam giác đó là Bãi La Coocđơri.