mong trên sườn vết thương của những người yêu nước.
Chẳng sao! Tôi cử người đi lấy đạn ở đồn dân quân do một tay trung
úy chỉ huy, anh này là bạn của tôi trong quãng đời khổ cực, hai đứa đã cùng
ăn kham khổ với nhau.
Ít nhất tôi cũng tin được ở anh này: Anh sẽ không từ chối đạn dược.
Đốn đời! Anh ta từ chối.
Từ khi được đeo lon, cái anh chàng bất phục tùng ấy đã trở thành một
kẻ chính quy. Có lẽ anh ta đang đợi được huân chương hoặc được bằng sĩ
quan hẳn hoi trong quân đội! Và anh ta đã chiến đấu như sư tử, mà là con
sư tử đã chán cảnh đói trong sa mạc, bây giờ muốn ăn patê của rạp xiếc và
được quần chúng hoan hô!
Ôi chao! Thật có thể đâm đầu vào tường được!
Người ta đã chờ đợi như kẻ Hồi giáo màn kết của tấn kịch giữa mùi cá
mòi và hơi rượu vang.
Ồ! Con cá mòi ấy! Chiếc băng đeo của tôi đượm mùi. Một lá cờ đỏ mà
người ta lấy ở đâu ra không biết để cắm ở trước mặt bàn tôi, cũng nhiễm
mùi cá mắm. Còn bao nhiêu thuốc súng, còn bao nhiêu tiền, tất cả đều bắt
mùi những thùng bị đục ở trong sân.
Người ta tưởng mình đang ở phố Hàng cá tại Luân đôn, chứ không
phải trong thành La Vilet của những người khởi nghĩa.
1 tháng Mười một
Cái Thành này cứ vợi người đi dần. Những người đi lấy tin tức không
trở về, hoặc họ đã bị bắt làm tù binh, hoặc họ không muốn đi lại cái tổ ong
đang bị những tiểu đoàn tư sản căm giận nhằm nhè.
Thế là chúng tôi chỉ còn lại vài người ở lại đó, không biết gì nữa về
những việc xảy ra tại Pari.
Một bức điện vừa tới.
“Gửi ông Thị trưởng Quận XIX”