Mà ai là kẻ có tội?…
Anh Xapia tội nghiệp! Tay anh cầm chiếc can mười ba xu, lúc anh
ngã. Anh hô: “Tiến lên!” nhưng không gươm mà cũng không súng.
Đứa bé lên chín tuổi đã chết khi người ta vực dậy, nó không bắn, phải
không? Và ông cụ già mà óc bắn tóe lên cây đèn nến, có trong túi, không
phải một quả bom, mà là một quyển sách kinh.
Ngày 22 tháng Giêng, biết bao người vô tội bị tàn sát!
Những ai trốn không kịp nằm ẹp xuống sau những đống cát, hoặc nằm
dài sau những cột đèn đổ gục, và quỵ ở đó, bùn ngập đến miệng.
Thỉnh thoảng, một trong số những người quỵ đó lách khỏi đám người
đẫm máu, và lăn tới một xó đảm bảo hơn…. Đột nhiên họ ngừng lại, không
lăn nữa. Nhưng ở mạng sườn họ thấy có một vết đỏ tươi, như ở lỗ nút của
một thùng vang.
Trong số người mà bọn sen đầm sẽ giải ra tòa ngày mai có những
người chỉ tới đó để vực những người bị thương dậy, hoặc để lấy mù-soa
phủ lên bộ mặt kinh khủng của những người chết.
Và bọn hung bạo vụng về đang cầm quyền không hiểu rằng tốt hơn là
làm như những người này, và phủ tấm màn quên lãng lên trên những ngày
ảm đạm ấy.
8 tháng Ba.
Vụ 31 tháng Mười đã bị xét xử.
Một tòa án binh đã tha bổng đa số những người theo hiệp định ký kết
trong cái đêm kết thúc bi đát, họ đáng lẽ không bao giờ bị bắt hay bị truy
tố.
Lưỡi gươm của những thẩm phán Tòa án quân sự đã đem bêu bọn bội
ước của Tòa Thị chính trước Lịch sử.
Trên ghế bị cáo, chỉ còn lại có Gupin, tôi và một vài anh khác, bị gọi
ra trước vành móng ngựa về những sự kiện mà bản hiệp ước không bao giờ
che được.