Thậm chí tôi nghe nói là trong nghĩa trang Xanh-Măng-đe, người bị
trúng viên đạn của hắn có thể nguôi lòng yên giấc, người vợ góa của người
quá cố, từ ngày chôn cất chồng, vẫn sống bằng bánh mì do bàn tay đẫm
máu của kẻ đấu súng cung cấp, và người con trai thì có một người đỡ đầu
vô danh trong cuộc đời, chính là kẻ đã giết cha mình.
Hai nhà báo của thế kỷ ấy, họ mang chất Sếchxpia theo kiểu của họ:
người thì lê cái bụng của Fonxtap, kẻ thì hiến cái đầu lâu của Yôrich cho
những suy tư của các vị Hămlét!
- Anh hãy ngồi vào chiếu của anh, anh bạn ạ, anh nên có một tờ báo
của anh – Vilơmetxăng phệ luôn luôn rống lên bảo tôi.
Nói thì dễ, nhưng tôi cũng cứ thử xem sao!
Tôi đã dành vào việc đó sáu tháng – suốt sáu tháng tôi toàn dùng thì
giờ vào việc tiêu sài tốn kém, ở những nơi sang trọng mà tôi ngồi hàng hai
tiếng đồng hồ để rình bọn giàu có, cũng như xưa kia, vào hồi Satxanh, ngồi
chờ bảy xu để uống cà phê pha rượu, uống che tàn, trong khi tay chạy tiền
đi xoay chưa về.
Biết bao trò hèn hạ nhỏ nhen, và những chuyện nhục nhã nực cười!
Tôi đã cười trước những trò chơi chữ của bọn con nhà giàu ngu hơn
ngỗng; tôi tròn xoe môi như tĩ gà khi chúng kể một chuyện “hay ho” bởi vì
chúng sẽ góp một trăm luy vào công việc; tôi đã mắng vào mặt bọn bịp
bợm, chúng hứa tìm cho tôi một người hưởng gia tài hoặc một tay cho vay
nặng lãi… rồi phớt lờ tôi đi.
Chà! Tôi sinh ra là dân Ovecpanh cũng phải!
Một người khác sẽ phát chán và van xin kẻ địch. Tôi, tôi không
nhượng bộ chúng một tí nào – đây chỉ là gót giầy của tôi nó đã nhượng bộ.
Bởi vì, trong thời gian thất nghiệp đó, tôi đã nhai biến số tiền của tờ
Figarô còn lại; tôi lại còn mắc nợ. Giờ đây tôi tiêu dần tờ một trăm
phơrăng cuối cùng.
Ở nhà, tôi dè xẻn bằng cách ăn bánh mì không và uống nước lã, để có
tiền tới gậm một rẻ sườn và uống một chén trà ở tiệm cà phê mà bọn tư sản