Nhưng thứ chất độc khác mà người ta gọi là khí, và những hơi nồng
nặc bốc lên từ những đám đông người chất đống trong những gian buồng
quá chật, những cái đó lại lấy độc trị độc. Anh phát sốt lên trong đó, và
bệnh sốt kích động anh, vực anh dậy và đưa anh lên cao.
Dù thế nào anh cũng đã góp sòng phẳng với cuộc sống. Anh sống mỗi
tối ba tiếng đồng hồ mà hơn những kẻ khác trong cả năm – mở rộng thời
gian hiện tại bằng hùng biện; lấn tới tương lai bằng ước mơ; con người
bệnh tật ấy, ném lời nói lành mạnh cho cả đội quân công nhân, cho những
vai lực sĩ và cho những bộ ngực sắt, họ hết sức cảm động thấy người vô sản
không phổi ấy tự giết mình để bênh vực quyền lợi họ.
Bri-ốt-nơ bao giờ cũng đi với một người bạn bé nhỏ hơn anh, vận một
chiếc rơ-đanh-gốt tươm tất, và bước đi thong thả, đầu hơi nghiêng về một
bên và một chiếc ô cắp nách.
Anh này trông giống – có thể lẫn được – một người hồi 1848, ở Năng-
tơ, đã làm tôi xúc động mạnh vì lối ăn nói táo tợn. Chính cái táo tợn đó đã
làm anh bị đuổi khỏi cái địa vị nhỏ bé nó nuôi sống anh. Uy tín mà anh
giành được ở câu lạc bộ làm cho bọn chủ anh mất thể diện và hoảng sợ.
Người ta vừa thanh toán với anh xong, và anh từ biệt nhân dân một cách
giản dị và trang nghiêm.
- Tôi không thể ở với bà con được nữa; tôi mang trên lưng cái kiếp
khổ nhục của những kẻ đói khát. Bây giờ tôi đi Pa-ri, ở đấy may ra tôi sẽ
tìm được cách bán thời giờ lấy một mẩu bánh mì… Ở đấy tôi cũng sẽ tìm
được cách cống hiến cuộc đời của tôi, một kẻ nghèo khổ, vì như nó có thể
lấp một lỗ hổng trên chiến lũy một buổi sáng khởi nghĩa nào đó.
Ít lâu sau người ta hay tin anh đã thực hiện món quà tặng đã hứa.
Người ta đã nhặt được xác anh, lỗ chỗ vết đạn, ở chân rào chướng ngại Pơ-
ti – Pông – diễn đàn bằng đá của người đảng viên xã hội bị dồn vào cảnh
đói khổ ấy và đã thoát ra bằng cái chết.
Lơ-frăng-xe
giống con người đó, với bộ mặt vàng võ và trầm tư,
khoét đôi lỗ mắt sâu mà hiền. Thoạt gặp người ta tưởng là một người nhẫn