tính màu xanh, tiếng khò khè như người mắc bệnh hen suyễn của nó vang
khắp phòng. Ngồi trên chiếc ghế bành mới, trước chiếc ti vi mới tinh, ông
điên cuồng ấn nút điều khiển từ xa, như một đứa trẻ chơi đồ chơi quá nhiều
đến nỗi ngớ ngẩn.
• • •
Chắc hẳn hôm đó là một ngày thứ Bảy, bởi vì họ ăn trưa cùng nhau.
Jacques rên rỉ, như thường lệ, nhưng có phần đỡ ầm ĩ. Dưới gầm bàn, Louise
đã đặt một chậu đầy nước lạnh để Jacques ngâm chân. Trong những cơn ác
mộng, Louise vẫn còn nhìn thấy đôi chân tím tái của Jacques, đôi mắt cá
chân sưng phồng và ốm yếu của người mắc bệnh tiểu đường, đôi chân mà
ông không ngừng bắt chị xoa bóp. Đã vài ngày nay Louise nhận thấy nước
da ông vàng ệch, đôi mắt ông thất thần. Chị thấy ông chật vật không nói hết
câu nếu không nghỉ lấy hơi. Chị đã nấu món thịt hầm Osso-buco. Khi ăn đến
miếng thứ ba, Jacques đang định nói gì đó thì bỗng nôn hết vào đĩa. Ông
nôn vọt cầu vồng, như những đứa trẻ sơ sinh, và Louise biết rằng như thế là
rất nghiêm trọng. Rằng mọi chuyên sẽ không ổn. Chị đứng dậy, và khi nhìn
thấy khuôn mặt bối rối của Jacques, chị nói: “Không có gì nghiêm trọng
đâu. Không sao đâu.” Chị nói không ngừng, tự đổ lỗi cho mình vì đã cho
quá nhiều rượu vang vào nước xốt khiến nó chua loét, tuôn ra hàng mớ lý
thuyết ngu ngốc về lượng a xít trong dạ dày. Chị nói mãi, nói mãi, hết
khuyên nhủ đến tự kết tội mình rồi lại xin lỗi. Màn trường thoại run rẩy và
rời rạc của chị chỉ càng khiến nỗi sợ hãi vừa choán lấy Jacques tăng thêm,
ông sợ phải ở trong thân thể mình giống như một người trên đỉnh cầu thang
vừa bước hụt một bậc và tự nhìn mình lao xuống, đầu cắm về phía trước,
lưng gãy, máu me khắp người. Nếu chị im lặng, có lẽ ông đã khóc, có lẽ ông
đã xin được giúp đỡ hoặc thậm chí còn yêu cầu chị ban tặng cho chút dịu
dàng. Nhưng vừa thu dọn bát đĩa, vừa lột khăn trải bàn, vừa lau chùi sàn
nhà, chị vừa nói, không ngừng nghỉ.
Ba tháng sau, Jacques chết. Ông khô héo đi như một thứ trái cây bị bỏ
quên dưới nắng. Tuyết rơi vào ngày đưa tang và ánh sáng gần như có màu
xanh. Louise còn lại một mình.