Wafa có bản năng người mẹ hoặc người chị. Cô nghĩ đến việc cho chị
uống một cốc nước, pha cho chị một cốc cà phê, cho chị ăn thứ gì đó. Louise
duỗi dài hai chân và vắt tréo hai bàn chân trên mặt bàn. Wafa nhìn đế giày
bẩn thỉu của Louise đặt cạnh chiếc cốc, và cô tự nhủ có lẽ chị bạn mình đã
say nên mới hành xử như thế. Cô vẫn luôn ngưỡng mộ cung cách của
Louise, những cử chỉ nghiêm trang và lịch sự của chị, khiến người ta tưởng
chị là một thị dân thực thụ. Wafa đặt hai bàn chân trần lên mép bàn. Và bằng
giọng bả lả, cô hỏi:
“Có lẽ chị sẽ gặp ai đó trên đảo chăng? Một anh chàng Hy Lạp bảnh
trai sẽ đem lòng yêu chị chẳng hạn.”
“Ơ không,” Louise trả lời. “Sở dĩ tôi đến đó, là để không còn phải chăm
sóc bất kỳ ai. Muốn ngủ lúc nào thì ngủ, muốn ăn gì thì ăn.”
• • •
Dự định lúc đầu là sẽ chẳng làm gì trong đám cưới của Wafa hết. Họ sẽ
chỉ đến tòa thị chính, ký hàng tá các loại giấy tờ và mỗi tháng Wafa sẽ trả
cho Youssef khoản tiền cô phải trả cho đến khi có được giấy tờ tùy thân do
chính quyền Pháp cấp. Nhưng rốt cuộc anh chồng tương lai đổi ý. Anh ta
thuyết phục mẹ mình, người không đòi hỏi gì hơn, rằng sẽ tươm tất hơn nếu
mời vài người bạn. “Dù sao cũng là đám cưới của con. Với lại, biết đâu đấy,
có thể làm thế sẽ khiến cơ quan quản lý người nhập cư yên tâm hơn.”
Một sáng thứ Sáu, họ hẹn nhau trước tòa thị chính Noisy-le-Sec. Lần
đầu tiên được là người làm chứng, Louise mặc váy cổ tròn màu xanh da trời
và đeo khuyên tai. Chị ký tên ở cuối tờ giấy mà ông thị trưởng đưa cho, và
đám cưới có vẻ gần như là thật. Thậm chí, những tiếng hò reo, những lời
“Chúc mừng cô dâu chú rể!”, những tiếng vỗ tay dường như cũng rất chân
thành.
Nhóm người ít ỏi đi bộ đến tận nhà hàng Linh Dương Agadir do một
người bạn của Wafa làm chủ, nơi cô từng làm bồi bàn. Louise ngắm nghía
mọi người đứng khoa chân múa tay, cười nói và vỗ vai nhau bồm bộp.
Trước cửa nhà hàng, anh em nhà Youssef đỗ một chiếc xe màu đen,
trên mui xe có gắn khoảng chục dải ruy băng bằng nhựa lấp lánh.