Qua cửa sổ, tôi thấy ông ta nhập vào một nhóm, và bắt đầu nói chuyện.
Tôi thầm hỏi không biết cái bố già này có đâm ra quẫn rồi không nhỉ. Cũng
không thể nói trước được, biết đâu là ông ta đã làm việc quá sức và nghĩ
rằng mình đang ở nước Đức phát xít. Rõ ràng là chả có lý do gì để ông ta
thấy phải giữ bí mật không cho ai nom thấy được rằng ông ta đã nói chuyện
với tôi. Bởi xét cho cùng,cô húng tôi đều ở một phe với nhau cả cơ mà.
Tôi dụi điếu thuốc vào một cái gạt tàn và uể oải bước ra. Ông già không
hề liếc lên khi tôi lững thững đi qua nhóm người, bước về phía nhà vệ sinh.
Một phút sau khi tôi đến đó, ông ta đã vào theo. Mắt ông ta lo lắng đảo
ngang dọc theo những ô chắn: “Đúng là chỉ có mình ta không đấy?”
- Tôi cho là như vậy. – Tôi vừa đáp vừa nhìn ông ta. Liệu quanh đây có
kiếm được bác sĩ không nhỉ, nếu ông ta phát khùng lên bây giờ?
Ông ta đâm bổ lại các ô chắn, mở cửa ngó vào. Yên chí, ông ta quay lại
phía tôi. Mặt ông ta căng thẳng, tái nhợt, mồ hôi lấm tấm rịn ra trên trán.
Có lẽ tôi đã nhận ra triệu chứng rồi. Phơi nắng bang Nevada này quá nhiều
đây mà, nếu không quen thì chết. Những lời đầu tiên ông ta càng chứng
minh là tôi đúng.
- Ông Cord ơi, - Ông ta thì thào khàn khàn. – Chiến tranh không phải sáu
tháng nữa mới kết thúc đâu.
- Tất nhiên là đúng thế rồi. – Tôi nói nhũn nhặn. Theo những điều tôi
được nghe, thì việc đầu tiên là phải tán thành mọi lời của họ, cố làm cho họ
bình tâm lại. Lạy trời cho tôi nhớ lại bước thứ hai phải làm tiếp theo. Tôi
quay sang cái bồn nước rửa tay. – Nào, hãy để tôi rót cho ông một cốc…
- Nó sẽ kết thúc vào tháng sau!