Hắn đơn giản là đi lạc đến nơi này vào những ngày đầu sau cuộc chiến.
Trong thời buổi họa hoạn ấy, không ai biết chắc mình đang làm gì. Do
chiến tranh ly tán, từng nhóm dân chúng đã phải lang bạt, ghé vào sống tạm
ở vùng này rồi chạy sang khu vực nọ. Vào lúc bấy giờ, mưa phóng xạ còn
lác đác và rất thất thường, một số bang gần như không có, những bang khác
thì ồ ạt. Bụi phóng xạ dịch chuyển thì các nhóm dân ly hương cũng dời chỗ
ở. Bán đảo phía Nam San Francisco ban đầu không nhiễm bụi phóng xạ
nên một lượng lớn người dân đã đổ đến định cư ở đây. Khi bụi tràn đến,
một số đã chết và số còn lại đã ra đi. J. R. Isidore ở lại.
Tiếng ti vi quang quác, “… gây dựng lại những ngày êm ả của các tiểu
bang miền Nam trước thời Nội Chiến! Dù để làm hầu cận hay dân cày
không mệt mỏi, những người máy đặt làm riêng – được thiết kế đặc biệt
cho NHU CẦU CỦA RIÊNG BẠN, CHO BẠN VÀ CHỈ MÌNH BẠN
THÔI – trao cho bạn hoàn toàn miễn phí ngay khi bạn đến, được trang bị
đầy đủ, đúng như bạn yêu cầu trước khi rời khỏi Trái đất. Người đồng hành
trung thành, không gây rắc rối trong chuyến phiêu lưu vĩ đại nhất, táo bạo
nhất mà con người dám dấn vào trong lịch sử hiện đại này sẽ mang lại…”
và cứ tiếp tục như thế.
Mình có muộn giờ làm không, Isidore băn khoăn khi cạo sột soạt. Hắn
không có lấy chiếc đồng hồ nào còn chạy được. Thường hắn dựa vào ti vi
để đoán giờ, nhưng hôm nay là Ngày Những Chân trời Liên không gian, rõ
ràng như vậy. Dù sao thì ti vi cũng cho biết hôm nay là ngày kỷ niệm năm
năm (hay sáu nhỉ) thành lập nước Mỹ Mới, khu định cư chính của Mỹ ở sao
Hỏa. Và chiếc ti vi của hắn, đã bị hỏng một phần, chỉ bắt được duy nhất cái
kênh đã quốc hữu hóa trong thời chiến tranh và giờ vẫn vậy. Chính quyền ở
Washington, cùng chương trình định cư, là nhà tài trợ duy nhất mà Isidore
buộc phải lắng nghe.
“Hãy cùng lắng nghe bà Maggie Klugman,” người dẫn chương trình
chào mời với John Isidore, hắn thì chỉ muốn biết giờ, “mới di cư lên sao
Hỏa gần đây, bà Klugman trả lời phỏng vấn được ghi hình trực tiếp từ New