ngoài ra ông chưa từng quay lại. Giờ thì ông phải ở đó bốn ngày bốn đêm.
Ông là một thằng bé chín tuổi biết suy nghĩ và không có vấn đề gì dễ thấy,
nhưng trên chiếc xe buýt ấy ông cảm thấy mình bé hơn thế và nhận thấy
mình đang đòi hỏi mẹ quan tâm theo cách mà ông nghĩ thật trẻ con.
Anh trai ông, khi ấy đã vào năm thứ nhất trung học, giờ đang đi học, còn
cha thì đã lái xe đi làm từ trước khi mẹ con ông khởi hành tới bệnh viện.
Một chiếc va li nhỏ đựng đồ thiết yếu nằm trên đùi mẹ ông. Trong đó đựng
bàn chải đánh răng, đồ ngủ, áo choàng tắm và dép đi trong nhà, cùng vài
cuốn sách ông mang theo để đọc. Ông vẫn còn nhớ đó là những cuốn nào.
Bệnh viện rất gần thư viện địa phương nên mẹ ông có thể bổ sung nguồn
đọc nếu ông đọc hết số sách mang theo trong những ngày lưu lại bệnh viện.
Ông sẽ phải nghỉ ở nhà hai tuần cho lại sức trước khi đi học trở lại, và ông
lo lắng về số lượng bài vở mình sẽ bỏ lỡ, hơn là về cái mặt nạ ê te mà ông
biết họ sẽ chụp lên mặt ông để gây mê. Hồi những năm đầu thập niên 1940,
các bệnh viện vẫn chưa cho phép cha mẹ ở lại qua đêm với con cái, vậy nên
ông sắp phải ngủ mà không có mẹ, cha hay anh trai ở gần. Ông cũng lo lắng
cả chuyện đó nữa.
Mẹ ông là một phụ nữ khéo léo trong cả cư xử lẫn ăn nói, cũng như, lần
lượt, mấy cô làm thủ tục nhập viện cho ông ở quầy đón tiếp và các y tá ở
phòng y tá, lúc mẹ con ông đi thang máy lên khu nhi của tầng dành cho
phẫu thuật. Mẹ ông xách cái va li vì tuy nó nhỏ nhưng ông không được
mang vác gì cho đến sau khi chữa xong chứng thoát vị và bình phục hẳn.
Vài tháng trước ông đã phát hiện ra một chỗ sưng bên háng trái nhưng đã
không nói với ai mà chỉ cố dùng ngón tay ấn vào cho nó hết. Ông không hề
biết chứng thoát vị là cái gì hoặc có gì đặc biệt khi chỗ sưng lại gần cơ quan
sinh dục đến vậy.
Hồi ấy bác sĩ vẫn thường chỉ định cho đứa bé đeo một cái quần nâng với
dây bằng kim loại nếu gia đình không muốn hoặc không đủ tiền phẫu thuật.
Ông biết ở trường có một đứa đã phải mặc cái quần nâng như thế, và một