trong những lý do ông không nói với ai về chỗ sưng ấy là nỗi sợ rằng chính
mình cũng sẽ phải mặc thứ đó và phơi nó ra trước mắt lũ con trai mỗi lần
thay đồng phục thể dục.
Khi cuối cùng ông cũng thú nhận với cha mẹ, cha ông liền đưa ông đi
khám. Vị bác sĩ khám cho ông thật nhanh, chẩn đoán và, sau khi nói chuyện
vài phút với cha ông, đã sắp xếp một cuộc phẫu thuật. Mọi chuyện được
tiến hành với một tốc độ kinh ngạc, và vị bác sĩ - chính người đã đỡ ông
chào đời - trấn an ông rằng ông sẽ không sao rồi họ bắt đầu nói đùa về mục
tranh vui Li'l Abner đăng trên báo buổi tối mà cả hai đều thích.
Cha mẹ ông bảo bác sĩ Smith là bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất thành phố
này. Cũng như cha mình, bác sĩ Smith, tên khai sinh là Solly Smulowitz, đã
lớn lên trong khu ổ chuột và là con cái của những người nhập cư nghèo
khổ.
Trong vòng một tiếng sau khi đến bệnh viện, ông đã nằm trên giường
trong phòng mình, mặc dù theo lịch thì phải sáng hôm sau cuộc phẫu thuật
mới tiến hành - hồi ấy bệnh nhân được chăm sóc như thế đấy.
Ở giường kế bên là một thằng bé vừa mổ dạ dày và vẫn chưa được phép
ngồi dậy đi lại. Mẹ nó ngồi bên giường nắm tay nó. Khi người cha tan sở
tới thăm, cha mẹ nó nói chuyện với nhau bằng tiếng Yiddish, điều này
khiến ông nghĩ họ lo ngại phải nói thứ tiếng Anh dưới chuẩn trước mặt con
trai. Nơi duy nhất ông từng nghe thấy người ta nói tiếng Yiddish là ở tiệm
trang sức khi những người tị nạn chiến tranh vào tìm mua đồng hồ
Schaffhausen, một nhãn hiệu hiếm-có-khó-tìm mà cha ông đã phải gọi đi
khắp nơi để hỏi - "Schaffhausen... Tôi muốn một chiếc Schauffhausen," vốn
tiếng Anh của họ chỉ đủ để nói thế. Dĩ nhiên vào cái hồi những người Do
Thái Hasid từ New York vẫn hay tới Elizabeth mỗi tháng một hai lần để bổ
sung nguồn kim cương cho cửa tiệm - vì sẽ quá đắt đỏ nếu cha phải tự lưu
kho một lượng lớn kim cương trong két - thì hầu như ông chỉ nghe toàn
tiếng Yiddish. So với thời hậu chiến, trước chiến tranh ở Mỹ có ít nhà buôn