Tiếp đó ông trông thấy ông ta trong phòng mổ. Ông ta đã thay đồ dự tiệc
bằng áo choàng phẫu thuật. "Anh vừa cứu tôi khỏi một bữa tiệc chán chết,"
bác sĩ phẫu thuật nói.
Đến sáng hôm sau ông mới tỉnh. Đứng cuối giường ông, cùng với
Phoebe, là cha mẹ ông, trông cả hai đều căng thẳng. Phoebe, người họ
chẳng hề biết đến (ngoài những miêu tả bôi xấu của Cecilia, ngoài những
tràng diễn văn kết thúc bằng "Con thấy tội nghiệp cho con nha đầu đến sau
này - con thật lòng thấy thương hại con đĩ Quaker đê mạt này!"), đã gọi
điện báo và họ đã lập tức lái xe tới từ New Jersey, cố hết sức, ông lờ mờ
nhận thấy hình như một nam y tá đang gặp rắc rối với việc cắm một loại
ống gì đó vào mũi ông, hoặc cũng có thể anh ta chỉ đang cố rút nó ra. Ông
thốt ra những từ đầu tiên - "Đừng có làm hỏng việc!" - rồi lại rơi vào vô
thức.
Lần kế ông tỉnh lại thì thấy cha mẹ ngồi ghế. Có vẻ như họ cũng bị sự
mệt mỏi hành hạ và đè nặng.
Phoebe ngồi nắm tay ông trên chiếc ghế bên giường. Khi ấy bà là một
phụ nữ trẻ, xanh xao, sở hữu một vẻ ngoài yếu mềm che giấu sự điềm tĩnh
và kiên định. Bà không để lộ chút sợ hãi nào, không cho phép nó lộ ra trong
giọng nói.
Phoebe rất hiểu về nỗi thống khổ thể xác vì từng phải chịu những cơn
đau đầu mà thời còn đôi mươi bà chẳng coi ra gì nhưng đến ba mươi khi
chúng trở nên thường xuyên và liên tục thì bà đã nhận ra đó là chứng đau
nửa đầu. Bà may mắn khi vẫn ngủ được khi bị đau, nhưng những lúc mở
mắt, những lúc bà tỉnh táo thì nó lại xuất hiện - cơn đau không thể tưởng
tượng nổi ở một bên đầu, sức nặng đè xuống trên mặt và quai hàm, và ở tận
đáy hốc mắt như có một bàn chân đặt lên cầu mắt bà mà di nát nó. Những
cơn đau nửa đầu thường bắt đầu với những vòng xoáy ánh sáng, những đốm
sáng chói lòa chuyển động xoắn ốc trước mắt ngay cả khi bà đã nhắm lại,
rồi tiếp diễn với sự mất phương hướng, chóng mặt, đau đớn, buồn nôn, và