người quảng đi ăn mì quảng
33
phần lịch, phần trên (tranh ảnh) hơn phần dưới (ngày
tháng). Mà cái phần dưới đó, cái phần mà nếu không
có nó thì cái tấm lòe loẹt trên tường kia chẳng thể gọi
là tấm lịch, lại chiếm một diện tích khiêm tốn đến tội
nghiệp. Thế mới biết, không cứ là đời người, ngay cuộc
đời một tấm lịch cũng lắm cảnh tréo ngoe!
Đến đây mọi chuyện gần như đã minh bạch: Người
ta mua lịch như mua một bức tranh, một bức ảnh
nghệ thuật, trước hết để treo cho vui nhà vui cửa, còn
chuyện xem ngày, tính tháng là chuyện “hạ hồi phân
giải”. Cái sự “đánh tráo chức năng” này không hiểu đã
xảy ra từ bao giờ nhưng đến nay hiện tượng đó hầu
như đã được xã hội mặc nhiên chấp nhận, kể cả về
phía Nhà nước. Các cơ quan quản lý văn hóa từ lâu đã
liệt lịch vào hàng “văn hóa phẩm”, một sự “nâng cấp”,
một “ân sủng” mà những chiếc đồng hồ đẹp nhất cũng
đừng hòng được hưởng.
Vậy, phần quan trọng của lịch tờ chính là ở cái phần
tranh ảnh, ở cái “khía cạnh văn hóa” của nó. Trên đó,
người ta bày biện những gì? Dĩ nhiên, những gì người
ta cho là đẹp. Mà cái đẹp, nhân loại đã tổng kết từ
lâu, chỉ có ba thứ: Hoa đẹp, cảnh đẹp, người đẹp. Lịch
phản ánh điều đó một cách sát sườn: đi vào một gian
hàng lịch như lọt vào giữa một rừng hoa - hoa ta, hoa
Tây lẫn hoa Tàu đua nhau khoe sắc - và được ngoạn
du một vòng từ Hồ gươm qua chùa Thiên Mụ vô đến
tận Hà Tiên nhưng mê tơi nhất là ngoảnh đi đâu cũng
thấy các người đẹp đắm đuối nhìn mình, cứ như thể
lọt vào cung bà Tây Vương Mẫu.