sàng nảy lên. Như một võ sĩ quyền anh hạng lông, nếu anh hiểu tôi muốn
nói gì.”
Tôi đã từng xem vài trận quyền anh và biết chính xác điều ông muốn nói.
Tôi cũng nhanh chóng hiểu ra Hans Andersson không phải là một người kể
chuyện mau lẹ và có thiên hướng cường điệu hóa.
“Rất hấp dẫn. Lần đầu ông gặp ông Harald Olesen, có Chân nai ở đó
không?”
Ông gật đầu hớn hở.
“Có chứ, cả hai người bọn họ, và những lần sau cũng vậy. Đó là một câu
chuyện thú vị. Đối với tôi, Harald Olesen luôn là một người đàn ông rất
thông minh và có năng lực. Tôi không hề ngạc nhiên khi ông ấy trở thành
thành viên của nội các sau chiến tranh. Nhưng là một thành viên của phong
trào Kháng chiến, ông ấy chỉ có đúng một điểm yếu mà luôn có cách khắc
phục, bởi vì ông ấy ý thức rất rõ về nó. Ông ấy đã nói cho tôi biết khi đến
đây lần thứ ba hoặc thứ tư, và rõ ràng tôi chưa từng nhận ra nó. Harald
Olesen hầu như không có khả năng định hướng. Nếu ông ấy đi lên núi một
mình với những người tị nạn, họ có thể sẽ không bao giờ tìm được đường
ra. Ông ấy thường gọi Chân nai là bản đồ và la bàn của mình. Theo như tôi
hiểu, Chân nai nắm rõ vùng núi này từ trước chiến tranh và cũng có khả
năng định hướng rất tốt.”
Ông dừng lại và lịch sự chờ tôi ghi chép xong. Tôi sốt ruột ra dấu cho
ông kể tiếp.
“Có rất nhiều người tị nạn đã được hưởng lợi từ khả năng định hướng
không-thể-sai-sót của Chân nai, và họ vô cùng biết ơn. Chúng tôi kéo cao
lá cờ ở đây mỗi ngày như một tín hiệu kín đáo cho bất kỳ người tị nạn nào
có thể băng qua biên giới. Sự phấn khích vỡ òa nhiều lần khi họ xuống đến
bên này của thung lũng, thấy lá cờ và nhận ra rằng cuối cùng họ đã tới được
Thụy Điển an toàn. Tôi đặc biệt nhớ rõ lần đầu tiên, bởi vì một trong số
những người tị nạn mà họ đưa đi cùng có tuổi đời rất trẻ. Đó là vào năm
1942, cậu ấy mới chỉ mười sáu tuổi. Chính cậu ta cho tôi biết điều đó khi
quay lại đây mười năm sau cùng với vợ con để cảm ơn và tặng quà cho
chúng tôi.”