Tôi nôn nóng chờ đợi để biết địa hình tại đây có liên quan như thế nào với
câu chuyện. May mắn thay, ông Hans Andersson đã nhanh chóng bắt đầu
câu chuyện của mình.
“Chúng tôi hầu như đã quen với những nhóm người tị nạn vào những
năm cuối cùng của chiến tranh. Mọi thứ đều tốt đẹp cho đến lúc đó, nên
chúng tôi có lẽ đã hơi mất cảnh giác. Tôi có một người chú sống ở
Elverum, ngay trên lộ trình mà người tị nạn đi qua và giúp chúng tôi tổ
chức mọi chuyện. Ông sẽ gọi tôi khi thấy những người tị nạn đi ngang qua,
và bằng cách nói về những công việc gia đình và đồng áng, ông sẽ gửi một
thông điệp để cho chúng tôi biết ai đang đi trên đường, cũng như có bao
nhiêu người trong nhóm. Khi đó chúng tôi sẽ chuẩn bị thức ăn, đồ uống và
chờ họ đến. Những thông điệp đó dĩ nhiên đều được mã hóa, phòng khi
điện thoại bị nghe trộm. Nhưng rồi trong nhiều năm sau này, tôi cứ bị ám
ảnh suốt vì đây là cách mà thảm kịch bắt đầu.”
Ông đứng đó một lúc và buồn bã quan sát triền núi. Rồi ông nói tiếp,
nhưng không hề vội vã.
“Ngày 20 tháng 2 năm 1944, trời vừa sẩm tối thì chú tôi gọi, với thông
điệp là cha con Chân nai vừa đi qua với hai cái bị lớn và một bị nhỏ. Điều
đó có nghĩa là ông Harald Olesen và Chân nai đi cùng hai người tị nạn
trưởng thành và một đứa trẻ. Chưa đầy một giờ sau, chú tôi gọi lại và báo
có một bầy sói sáu con vừa lao qua cửa sổ. Thế là cơn ác mộng kinh khủng
nhất của chúng tôi đã thành hiện thực. Ông Harald Olesen và Chân nai
đang ở ngoài kia cùng với những người tị nạn, và một nhóm tuần tra của
quân Đức đang theo dấu bọn họ.”
Tốc độ nói của ông Hans Andersson chậm dần. Những hồi ức mạnh mẽ
rõ ràng đang đè nặng lên ông.
“Và rồi…” tôi mớm lời.
“Và rồi cơn bão tệ hại nhất của mùa đông năm đó bắt đầu quét qua,” ông
nói với khuôn mặt nặng trĩu. “Tôi đã dậy từ 5 giờ sáng hôm đó, nhưng vẫn
thức đến tận 4 giờ đêm. Tôi đi ra ngoài vài lần để quan sát bằng ống nhòm
nhưng không thể thấy bất cứ thứ gì trên ngọn núi, trong bóng đêm và cơn
bão tuyết. Cơn bão là một con dao hai lưỡi. Thời tiết có thể gây khó khăn