Tôi còn hơn cả hạnh phúc khi cung cấp những chi tiết này.
“Chân nai là một người dẫn đường trẻ tuổi đã giúp ông Harald Olesen
khi ông phải băng qua biên giới đến Thụy Điển trong thời chiến tranh. Họ
đã có vài chuyến đi cùng nhau, lần cuối cùng là vào tháng 2 năm 1944.
Chuyến đi đã kết thúc trong bi kịch trên những ngọn núi nằm giữa Trysil và
Salen. Không chỉ có ba tên lính Đức bị giết mà một cặp vợ chồng tị nạn
người Do Thái cũng đã thiệt mạng. Chân nai đã trượt tuyết qua núi một
cách can trường với đứa con của đôi vợ chồng nọ trong áo khoác và đã
thành công trong việc cứu mạng cô bé. Liệu câu chuyện này có nhắc anh
nhớ ra điều gì không?”
Andreas Gullestad lắc đầu một cách dứt khoát.
“Không, tôi e rằng tôi vẫn không biết người Chân nai này. Tôi lớn lên
không quá xa nơi đó và đã nghe nhiều câu chuyện đáng tin lẫn không đáng
tin về những gì xảy ra trong vùng. Tôi không thể đảm bảo mình vẫn nhớ
hết mọi chuyện, nhưng tôi hẳn phải nhớ ra chuyện đó nếu từng được nghe.
Anh có câu hỏi nào về quá khứ gần đây hơn mà tôi có thể có câu trả lời?”
Tôi gật đầu và nhanh chóng quyết định sẽ tấn công từ một góc độ khác.
“Có chứ. Vậy chúng ta có thể nói về người đàn ông bí ẩn trong chiếc áo
khoác đi mưa màu xanh dương mà anh nói đã từng thấy trong tòa nhà này
vào dịp lễ Hiện xuống hồi năm ngoái, nhưng từ đó không thấy lại nữa.”
Anh ta gật đầu trầm tư, với một chút miễn cưỡng.
“Nếu tôi nói rằng người đó bị trông thấy lởn vởn trong hành lang một lần
nữa vào đêm mà ông Harald Olesen bị sát hại, rằng nếu anh thấy anh ta
năm ngoái nghĩa là anh đã tự nhìn vào trong gương, và rằng chính anh là
người đã quăng cái áo đó vào thùng rác… thì anh sẽ nói sao?”
Andreas Gullestad hơi thẳng người lại trên xe lăn, đặt tay phải trên đùi
và nhấc tay trái lên để chỉ vào cái gì đó.
“Thì tôi sẽ nói rằng đó là một sự hiểu lầm kinh khủng mà tôi hy vọng sẽ
có thể được giải quyết ngay tức thì. Tôi cũng có một cái áo khoác đi mưa
màu xanh dương, nhưng như anh có thể thấy đó, nó vẫn còn được treo trên
móc áo bên cạnh cửa ra vào!”