Chính lúc này, Gia Cát Lượng một mình bước lên bờ thành cao, mặc bộ y phục vừa to vừa rộng
mà bình thường rất ít mặc, rồi bắt đầu gảy đàn trước mặt quân đội của Tư Mã Ý, có hai tiểu
đồng ở bên cạnh phe phẩy quạt cho ông. Không chỉ có vậy, đến cổng thành ông cũng không
đóng, cũng không có đại quân canh gác, chỉ có mấy người lính già đang quét dọn bên tường
thành. Tư Mã Ý vừa thấy vậy, liền lập tức hạ lệnh dừng tiến quân. Ông ấy nói: “Gia Cát Lượng
một đời thận trọng, ông ta mở cổng thành sẵn như vậy, bên trong chắc chắn có mai phục.
Chúng ta không thể tiến vào, không được trúng kế của Gia Cát Lượng!” Nhưng các tướng quân
dưới tay ông ta nóng lòng muốn thắng, cho rằng bên trong chưa chắc có mai phục. Tư Mã Ý
quay lại tức giận: “Gia Cát Lượng có thể là một người không thận trọng hay sao?” Lời nói của
ông ta khiến mọi người hoảng hốt, liền nghe theo mệnh lệnh của Tư Mã Ý, lập tức rút binh.
Và như vậy, Gia Cát Lượng đã sử dụng mưu chước “hành động bất ngờ” một cách tài tình, một
lần nữa không đánh mà thắng. Các mưu chước của ông không cố định mà luôn thay đổi linh
hoạt, giúp ông tranh thủ được thời gian quý báu và hóa giải được tình thế nguy hiểm cho mình.
Đây chính là “Không thành kế” (kế vườn không nhà trống) nổi tiếng. Gia Cát Lượng quả không
hổ danh là một nhân vật truyền kì trong lịch sử, ông đích thực là một thiên tài trong việc
“Không ngừng thay đổi bản thân, sử dụng các phương thức bất ngờ để mê hoặc kẻ địch” như
Gracián từng nói, đáng để chúng ta học tập và áp dụng trong mọi ngành nghề.