Hắn chưa nói xong. Hắn hướng con mắt nọ vào tôi. Cậu học trò trung
học của chúng ta có đọc không nhỉ? Đọc những gì nào?
Tôi moi trong đầu những gì mới vừa đọc đây, thứ gì đặc biệt để mong
hắn hài lòng.
Tôi đang đọc tự truyện của Sean O’Casey.
Hắn để tôi đau khổ một lúc, đưa tay vuốt mặt, lầm bầm, Sean O’Casey
à. Anh vui lòng trích dẫn vài câu nghe chơi.
Tim tôi muốn nhảy khỏi lồng ngực. Nửa vòng tròn những kẻ ái mộ hắn
chờ đợi. Dahlberg hất đầu như muốn hỏi được chứ? Miệng tôi khô khốc.
Tôi chẳng nghĩ ra được câu nào của Sean O’Casey xứng với những đoạn
tuyệt hay mà Dahlberg đã trích dẫn từ các bậc thầy cổ điển. Tôi lẩm bẩm, ờ
thì tôi ngưỡng mộ O’Casey vì cách viết tự nhiên của ông về thời ông trưởng
thành ở Dublin.
Hắn lại để tôi phải đau khổ nữa trong lúc hắn mỉm cười với những kẻ ái
mộ hắn. Hắn gật đầu với tôi. Vì cách viết tự nhiên của ông ta, anh bạn
Ireland của chúng ta nói. Nếu anh ngưỡng mộ cái gọi là cách viết tự nhiên
thì anh luôn có thể nghiên cứu kỹ lưỡng các bức tường nhà vệ sinh công
cộng được đấy.
Những kẻ ái mộ hắn cười ồ. Mặt tôi nóng bừng và tôi buột miệng,
O’Casey đã ngoi lên nổi từ những khu nhà ổ chuột của Dublin. Ông ta bị
lòa. Ông ta là… một… một… người đấu tranh cho thợ thuyền… Ông ta đâu
thua kém gì ông. Cả thế giới biết Sean O’Casey. Còn ai biết ông nào?
Hắn lắc đầu nhìn đám người ái mộ, họ liền lắc đầu theo. Hắn gọi R’lene,
Bảo cậu học trò trung học của em biến đi cho khuất mắt. Gã không đáng
được chào mừng ở đây, ngược hẳn với cô vợ dễ thương của gã.
Tôi theo R’lene vào phòng ngủ để lấy áo khoác. Tôi bảo cô tôi rất tiếc
đã gây chuyện không vui vừ tự thống trách mình vì lỗi lầm này nhưng cô
chỉ cúi đầu im lặng. Trong phòng sinh hoạt Dahlberg đang vỗ vai Alberta,
nói hắn tin chắc nàng là một cô giáo giỏi và mong rằng nàng sẽ lại đến chơi.
Chúng tôi lặng lẽ đi xe điện ngầm về Brooklyn. Tôi hoang mang không
hiểu sao tay Dahlberg này lại có thái độ như thế. Hắn nhất định phải hạ
nhục một người lạ chăng? Vì sao tôi lại phải chịu đựng chứ?