Họ không ngại phát biểu trong lớp, nhưng đặt con chữ lên giấy trắng là
một nấc nguy hiểm, nhất là khi ta lớn lên với tiếng Tây Ban Nha hay tiếng
Pháp. Lại nữa, họ đâu có thì giờ cho mấy thứ này. Họ còn con cái phải nuôi
dạy, việc làm, phải gửi tiền về cho gia đình ở Haiti và Cuba. Ông thầy ra bài
là chuyện quá dễ dàng, nhưng thầy ơi, ngoài kia là một thế giới khác mà
Chúa cho một ngày chỉ có hai mươi bốn giờ thôi.
Còn mười phút nữa là hết giờ hướng dẫn, tôi bảo họ được tự do tìm hiểu
trong thư viện. Chẳng ai nhúc nhích. Thậm chí chẳng ai thầm thì gì nữa. Họ
ngồi đó trong áo khoác mùa đông. Họ ôm sát cặp vào người chờ đến giây
phút cuối cùng kết thúc giờ học này.
Trong hành lang tôi kể với ông bạn, giáo sư kỳ cựu Herbert Miller, về
những vấn đề của lớp này. Ông bảo, Họ làm việc ngày lẫn đêm. Họ đến lớp.
Họ ngồi nghe giảng. Họ làm hết sức của họ. Đám người ở phòng tuyển sinh
thu nhận họ, rồi chờ đợi các giáo sư hoặc thi triển phép lạ hoặc vung lưỡi
rìu đao quỷ. Tôi không hơi đâu tiếp tay cho phòng tuyển sinh. Khảo luận à?
Làm sao họ viết khảo luận khi còn phải đánh vật mới đọc nổi tờ báo?
Các sinh viên hẳn sẽ đồng ý với Miller. Họ sẽ gật đầu rằng, Đúng như
thế đấy, đúng thế. Họ nghĩ họ chẳng là cái thớ gì hết cả.
Đấy là cái lẽ ra tôi phải biết ngay từ đầu: sinh viên lớp tôi, toàn những
người lớn từ mười tám đến sáu mươi hai tuổi, nghĩ ý kiến của họ chẳng
đáng gì. Mọi suy nghĩ mà họ có đều thoát thai từ dòng thác lũ truyền thông
trong thế giới của chúng ta. Chưa hề có ai bảo họ có quyền độc lập suy
nghĩ.
Tôi bảo họ, Các bạn có quyền độc lập suy nghĩ.
Cả lớp im phăng phắc. Tôi bảo, Các bạn không bắt buộc phải nuốt lấy
mọi điều tôi nói. Hay điều người nào khác nói. Các bạn có thể đặt câu hỏi.
Nếu tôi không có câu trả lời chúng ta có thể tra cứu trong thư viện hay thảo
luận ở đây.
Họ đưa mắt nhìn nhau. Chà! Cái ông thầy này ăn nói mới lộn xộn làm
sao. Ông bảo tụi mình không bắt buộc phải tin lời ông nói. Nè, tụi mình đến
đây để học, để thi đậu tiếng Anh. Tụi mình phải có được chứng chỉ.