học hai hoặc ba năm. Theo học những khóa về hành chính, giám sát, hướng
dẫn, rồi với những chứng chỉ mới này anh có thể chuyển đến một văn
phòng có máy điều hòa không khí, có phòng vệ sinh riêng, được nghỉ trưa
lâu hơn, lại có cả thư ký. Anh sẽ không phải đánh vật với hàng đoàn hàng lũ
bọn nhóc “rận trong quần”. Cứ ngồi trốn trong văn phòng, anh sẽ không
bao giờ còn phải thấy lũ nhóc con chó chết nữa.
Nhưng giờ đây tôi ba mươi tám tuổi, không có tham vọng leo lên cao
trong hệ thống trường sở, lênh đênh vô định trong giấc mơ Mỹ, sắp đối diện
thời khủng hoảng của tuổi trung tuần, dạy tiếng Anh ở trường trung học mà
chẳng nên cơm cháo gì, bị cấp trên – các hiệu trưởng, hiệu phó – cản đường
hoạn lộ, ấy là tôi nghĩ thế.
Tôi lo lắng không yên mà không biết có chuyện gì khiến mình phiền
não. Alberta bảo: Sao anh không làm cái bằng tiến sĩ rồi thăng tiến trong
thế giới này?
Tôi bảo: Được thôi.
Trường Đại học New York nói đồng ý, họ sẽ nhận tôi làm luận án tiến
sĩ, nhưng vợ tôi bảo: Sao anh không làm ở London hay Dublin?
Em muốn tống khứ anh chứ gì?
Vợ tôi cười.
Năm mười sáu tuổi tôi cùng một người bạn đến thăm Dublin, sáng đi
chiều về. Tôi đứng tựa vào một bức tường đá xám xịt xem diễu hành. Bức
tường xám này là trường của Trinity College; tôi không biết rằng nó được
xem như một thứ lãnh thổ nước ngoài, nước Anh và đạo Tin lành. Xích
xuống phía dưới nữa là hàng rào và một cái cổng khổng lồ ngăn chặn những
kẻ như tôi bước vào. Trước cổng là nhiều bức tượng, trong đó có Edmund
Burke và Oliver Godsmith. Ô, tôi nói, ông ấy đấy, ngay kia kìa, người đã
viết quyển The Deserted Village – Ngôi làng Hoang vắng – mà tớ đã phải
học thuộc lòng trong trường.
Bạn tôi, người vùng Limerick, hiểu đời hơn tôi, bảo: Cậu hãy ngắm nhìn
Oliver và những nhân vật kia cho kỹ đi, vì loại như cậu sẽ chẳng đời nào
được bước qua cái cổng kia đâu. Ngài Tổng Giám đốc đã phán rằng người
Công giáo nào vào học Trinity đều sẽ mặc nhiên bị rút phép thông công.