chắn rằng trong tường nhà cũ của ông có giấu bản thảo một quyển tiểu
thuyết nổi tiếng. Tôi biết hồn ông Trollope vẫn ở trong ngôi nhà này, vì khi
ông đi dạo quanh nhà giữa canh khuya thì lớp mỡ quanh món trứng chiên
với thịt xông khói của tôi bỗng dưng đặc lại. Tôi mò mẫm khắp phòng tìm
tập bản thảo kia, cho đến khi hàng xóm than phiền vì tôi cứ gõ vào tường
suốt ngày suốt đêm. Tôi tiến chật vật ở Dublin. Sáng nào tôi cũng đều rất
quyết tâm. Tôi uống cà phê tại quán Bewley’s rồi làm việc tại Thư viện
Quốc gia hay Thư viện trường Trinity. Trưa tới tôi tự bảo mình đói rồi đấy,
rồi lững thững tới một trong những quán gần đó như Neary’s, McDaid’s hay
Bailey ăn một ổ bánh mì kẹp. Bánh mì kẹp cần một pint bia mới nuốt trôi
được, người ta hay đùa rằng lũ chim không thể nào bay nổi nếu chỉ có một
cánh. Một pint bia nữa khiến lưỡi tôi mềm hơn, giúp tôi chuyện gẫu được
với những thực khách khác, chẳng mấy chốc tôi cảm thấy thật vui. Khi các
quán bia đóng cửa vào giờ nghỉ trưa thiêng liêng thì tôi lại tới quán
Bewley’s uống cà phê. Toàn là trì hoãn. Nhiều tuần lễ trôi qua mà chuyện
nghiên cứu của tôi về quan hệ văn học Ireland-Mỹ vẫn chưa đi tới đâu. Tôi
tự bảo mình là một kẻ ngu dốt, chẳng biết gì về văn học Mỹ và chỉ biết vụn
vặt về văn học Ireland. Tôi cần có kiến thức cơ bản, nghĩa là phải đọc lịch
sử của hai nước này. Khi đọc lịch sử Ireland tôi ghi vào thẻ mọi tài liệu
tham khảo về nước Mỹ. Khi đọc lịch sử Mỹ tôi ghi vào mọi thẻ tài liệu
tham khảo về Ireland.
Đọc lịch sử thôi chưa đủ. Tôi còn phải đọc những tác giả quan trọng,
phát hiện xem họ ảnh hưởng thế nào đến các đồng nghiệp bên kia Đại Tây
Dương và ngược lại. Chắc chắn Yeats có kết giao với các đồng nghiệp Mỹ
và ảnh hưởng trên họ. Chắc chắn Edmund Downden ở Trinity College từng
là một trong những người Âu đầu tiên đã bênh vực Walt Whitman, nhưng
tôi sẽ làm gì với những chi tiết này? Tôi nên viết gì? Với lại tốn công sức
thế này mà có ai thèm liếc mắt qua không chứ?
Tôi có thêm những phát hiện khác nữa, tôi lần theo những dấu vết xa
hơn cả thời của thuyết tiên nghiệm ở Mỹ và thời văn học phục sinh ở
Ireland. Ở đây có những bài tường thuật về những người Ireland đã cuốc,
đào, chiến đấu và ca hát khi tham gia xây kênh Erie, làm đường xe lửa