đang dạy gì trong các lớp của tôi và luôn được ông khích lệ. Thỉnh thoảng
ông nói đôi câu về sự cần thiết phải giảng dạy theo biểu đồ và tôi hứa sẽ
thử. Nhưng rồi việc này thành một câu chuyện tiếu lâm.
Tôi có thử nhưng không thành công. Tôi vạch những đường thẳng đứng,
đường ngang, đường xéo rồi đứng lớ ngớ trước tấm bảng đen cho đến khi
một cậu học sinh người Hoa xung phong nhận phận sự của tôi, dạy cho thầy
cái điều lẽ ra ông phải biết.
Học trò của tôi rất nhẫn nại, song qua ánh mắt chúng nhìn nhau, qua
những mẩu giấy chúng chuyền nhau, thì tôi đang kẹt cứng trong rừng văn
phạm. Ở trường Stuyvesant chúng phải biết các thứ văn phạm tiếng Tây
Ban Nha, Pháp, Đức, Do Thái, Ý và Latin.
Roger thông cảm với tôi. Ông bảo: Có lẽ anh không sở trường việc
giảng bằng biểu đồ. Ông bảo vẫn có người không giỏi chuyện này. R’lene
Dahlberg giỏi. Chắc chắn là Joe Curran cũng thế. Chẳng gì thì anh ta từng
tốt nghiệp trường Boston Latin, lâu đời hơn trường Stuyvesant cả hai thế kỷ
rưỡi và, như anh ta nói, nổi tiếng hơn nhiều. Đối với anh ta thì dạy trường
Stuyvesant là giảm thế giá. Anh ta có thể dạy bằng biểu đồ tiếng Hy Lạp,
Latin và có thể cả tiếng Pháp và Đức nữa. Họ được đào tạo ở Boston Latin
như thế mà. Jesse Lowenthal cũng được đào tạo như thế, dĩ nhiên. Anh ta là
giáo viên lâu năm nhất trong khoa với bộ comlê lịch sự, dây đồng hồ quả
quít bằng vàng ngang ngực áo, kính gọng vàng, phong thái cổ điển, học vấn
uyên bác. Jesse chưa muốn về hưu, chừng nào về hưu anh ta định sẽ để thì
giờ học tiếng Hy Lạp rồi sang thế giới bên kia với những vần thơ của
Homer
[123]
trên môi. Roger hài lòng thấy rằng khoa của ông có một đội
ngũ giáo viên nòng cốt đầy năng lực bất cứ lúc nào cũng có thể lập biểu đồ
được.
Roger bảo rằng thật đáng buồn vì Joe Curran nghiện rượu. Bằng không
anh ta có thể đàm đạo với Jesse hàng giờ liền về Homer mà anh ta thuộc
lòng, về Virgil với Horace nữa nếu Jesse đủ sức, và về một người mà Joe
thích nhất vì hợp với tính khí nóng nảy của anh ta, đó là Juvenal.