nhìn em. Bà mẹ bảo: Ô, thế là tốt quá, nhưng mắt mẹ có cái gì hay sao ấy,
rồi mẹ im lặng. Người viết bài văn thắc mắc em nên làm gì. Có phải em hỏi
tôi, thầy giáo của em, đấy không? Tôi có nên làm gì không nhỉ? Tôi có nên
đáp lời em, giúp cô bé thoát cảnh oái oăm này không? Nếu quả thật là oái
oăm. Tôi có nên gí mũi vào những chuyện không phải của gia đình tôi? Có
thể em chỉ bịa đặt ra thôi. Sẽ ra sao nếu tôi khuyên em điều gì đấy rồi nó lọt
đến tai ông bố dượng hay bà mẹ? Tôi có thể đọc và cho điểm bài này một
cách khách quan, khen ngợi người viết bài văn có phong cách sáng sủa và
biết triển khai đề tài. Đó là nhiệm vụ của tôi, phải không nào? Chứ tôi đâu
có nhiệm vụ can thiệp vào từng chuyện cãi vã nhỏ nhặt trong gia đình học
sinh, nhất là ở Stuyvesant, nơi học trò thích “gọi đích danh sự vật”. Các
thầy giáo bảo tôi rằng một nửa số học sinh ở đây đang được trị liệu, nửa kia
nên nối gót theo là vừa. Tôi không phải là người làm công tác xã hội hay trị
liệu. Đây là tiếng kêu cứu hay chỉ là một tưởng tượng của tuổi choai choai?
Không được, không được, những lớp này có quá nhiều chuyện. Học trò các
trường khác đâu có như thế. Chúng đâu có biến giờ học thành buổi trị liệu
theo nhóm. Trường Stuyvesant khác hẳn. Tôi có thể đưa bài luận này cho
giáo viên hướng dẫn. Đây này Sam, anh lo giúp vụ này đi. Nếu không, ngộ
nhỡ sau này vỡ lẽ ra đúng là ông bố dượng có hành động bất lương với cô
bé, rồi mọi người biết tôi đã nhắm mắt bỏ qua thì những nhân vật quan
trọng trong trường như hiệu phó, hiệu trưởng, thanh tra sẽ gọi tôi lên văn
phòng. Họ đòi tôi giải thích. Sao một thầy giáo già dặn kinh nghiệm như
anh lại để chuyện ấy xảy ra được? Rồi tên tôi có thể chạy suốt trang ba của
những tờ báo lá cải.
Hãy đánh dấu đôi chỗ bằng bút đỏ. Cho cô bé 98 tuổi. Văn chương tuyệt
vơi, nhưng có vài lỗi chính tả. Hãy khen ngợi cô bé đã viết thẳng thắn và
chín chắn, nhưng em Janice rất có triển vọng, thầy mong sẽ được đọc thêm
nhiều bài nữa của em trong những tuần sắp tới.
Chúng có những ý tưởng về đời sống riêng của các thầy cô mà tôi muốn
xua tan đi. Tôi bảo chúng hãy nghĩ tới một trong những thầy cô của các em.
Nhưng đừng nói cho ai biết tên người đó. Cũng đừng viết ra. Bây giờ các