nghêu ngao, trời đất ơi, vừa búng tay, cho thiên hạ thấy chúng là những kẻ
choai choai đang biết yêu.
Mỗi ngày năm lần chúng ùa vào lớp như thế. Năm lớp, mỗi lớp từ ba
mươi đến ba mươi lăm học sinh. Choai choai cả ư? Ở Ireland, chúng tôi
thấy chúng trên phim Mỹ, luôn buồn rầu và cáu kỉnh, toàn lái xe đi lòng
vòng, nên thắc mắc sao chúng lại buồn rầu và cáu kỉnh như vậy nhỉ. Chúng
được nuôi ăn no, mặc đẹp, có tiền túi, vậy mà vẫn láo xược với mẹ cha. Ở
Ireland bấy giờ không có thứ choai choai này, ít nhất trong thế giới của tôi.
Ta là trẻ con. Ta đi học tới năm mười bốn tuổi. Hỗn láo với mẹ cha sẽ bị ăn
dây lưng vào mồm văng tới tận cuối phòng ấy chứ. Ta lớn lên, làm thợ, lấy
vợ, chiều thứ Sáu quất một chầu bia rồi tối hôm ấy cưỡi vợ để chị chàng
vừa đập bầu xong lại phải mang bầu mới. Sau vài năm ta sẽ di cư sang Anh,
đi cày ở những công trình xây dựng hay đăng lính vào quân đội Hoàng gia,
chiến đấu bảo vệ Đế chế.
Chuyện với chiếc bánh mì kẹp là do một cậu tên Petey hỏi, Có đứa nào
muốn lấy miếng bánh mì kẹp pho mát này không?
Mày giỡn à? Má mày hẳn phải ghét mày thậm tệ nên mới làm chiếc
bánh mì kẹp thế này cho mày mang đi.
Petey ném cái túi giấy nâu đựng chiếc bánh mì kẹp vào đứa vừa châm
chọc tên Andy, cả lớp ồ lên cười. Đánh nhau đi, đánh nhau đi, chúng gào
lên. Đánh nhau đi, đánh nhau đi. Túi giấy rơi xuống đất, giữa tấm bảng và
hàng ghế đầu, nơi Andy ngồi.
Tôi bước ra từ sau bàn viết, lần đầu tiên trong đời thầy giáo của mình tôi
lên tiếng: Này. Bốn năm đào tạo ở Đại học New York mà tôi chẳng biết nói
gì hơn một tiếng “này”.
Tôi lặp lại lần nữa: Này.
Chúng phớt lờ tôi. Chúng đang mải khích hai con gà chọi đánh nhau để
câu giờ, hầu làm tôi quên chuyện dạy. Tôi lại gần Petey nói câu đầu tiên với
tư cách ông thầy: Thôi ném bánh mì ngay. Petey và cả lớp sửng sốt. Ông
thầy này, một lính mới, vừa cản một đám sắp sửa đánh nhau ra trò. Thầy cô
mới thường bo bo thủ phận hoặc cho mời ngay hiệu trưởng hay hiệu phó,
mà ai cũng biết còn lâu các vị này mới thèm tới. Nghĩa là trong khi chờ đợi