Dạ, vì trên trang giấy chúng trông như bài thơ và có một số cách nấu ăn
nghe cứ như thơ thật. Em nghĩ còn hay hơn thơ vì ta có thể nếm được
hương vị của chúng. Và mấy cách nấu món ăn Ý thì, wow, thật là âm nhạc
chính cống.
Maureen McSherry phụ họa theo: Điều em thích ở cách nấu ăn là có thế
nào thì ta cứ việc đọc như thế, không bị những ông thầy Anh văn lắm
chuyện vặn tới vặn lui về ý nghĩa sâu xa.
Được thôi, Maureen, rồi chúng ta sẽ trở lại vấn đề này.
Vấn đề gì ạ?
Những ông thầy Anh văn lắm chuyện vặn tới vặn lui về ý nghĩa sâu xa
ấy mà.
Michel Carr nói có mang theo ống sáo, nếu ai thích ngâm nga hoặc hát
cách nấu ăn thì nó sẽ thổi sáo đệm cho. Brian tỏ vẻ hoài nghi. Nó nói: Bồ
giỡn chơi? Thổi sáo đệm cho cách nấu ăn à? Lớp mình hóa điên rồi chắc?
Susan bảo Brian thôi đi rồi xung phong đọc cách làm món lasagna với sự
phụ họa của Michael. Trong lúc Susan đọc cách làm thịt băm viên kiểu
Thụy Điển thì Michael thổi bài “Hava Hegila” chẳng liên quan gì đến thịt
băm viên kiểu Thụy Điển. Cả lớp mới đầu cười khúc khích, sau chăm chú
nghe, rồi vỗ tay hoan hô. James nói hai đứa nên ra đường trình diễn bài này,
lấy tên là ban nhạc Viên thịt hay Cách nấu ăn và nó xung phong làm trung
gian môi giới cho, vì đằng nào nó cũng sẽ học ngành kế toán. Khi Maureen
đọc cách làm bánh mì xô đa kiểu Ireland thì Michael chơi bài “The Irish
Washerwoman” – “Cô thợ giặt Ireland”, còn cả lớp gõ bàn và búng ngón
tay theo nhịp.
Lớp học thật sinh động. Chúng bảo nhau rằng sáng kiến đọc cách nấu
ăn, ngâm nga cách nấu ăn, ca hát cách nấu ăn có Michael phụ họa sáo cho
thích hợp với các cách nấu món Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Do Thái, Ireland,
Tàu đúng là hết sẩy. Ngộ nhỡ có người ngoài vào lớp mình lúc này thì sao
nhỉ? Chẳng hạn những nhà giáo Nhật Bản đến tham quan trường, họ sẽ
đứng ở cuối lớp quan sát các thầy cô dạy học. Ông hiệu trưởng sẽ giải thích
với họ như thế nào về màn hòa nhạc thịt băm viên giữa Susan và Michael.