Tôi bảo học trò chia thành hai phe, tán thành và phản đối, mỗi phe ngồi một
bên lớp, đối diện nhau; điều đáng chú ý là hai phe bằng nhau. Tôi cũng đề
nghị cần một em điều khiển buổi thảo luận, nhưng chúng đang bị đề tài lôi
cuốn nên không đứa nào chịu đứng trung lập, thành ra tôi phải đảm đương.
Phải mất mấy phút tôi mới dẹp được huyên náo. Phe phản đối chuyện
Hansel và Gretel bảo rằng con cái có thể bị phương hại trầm trọng khiến
phải tốn bộn tiền điều trị chúng về tâm lý. Ôi dào, vớ vẩn, phe tán thành đáp
lại. Đừng có nói cái giọng ấy. Chẳng có ai phải điều trị về tâm lý về chuyện
cổ cả. Trẻ con Âu Mỹ đều đã lớn lên cùng với những chuyện ấy.
Phe chống đối dẫn ra cảnh bạo lực trong chuyện “Cô bé quàng khăn
đỏ”, chuyện con sói nuốt sống bà của cô bé, chuyện bà dì ghẻ ác nghiệt
trong “Cô bé lọ lem”. Cần phải hỏi rằng làm sao mà một đứa trẻ lại có thể
không bị ảnh hưởng gì khi nghe hay đọc những chuyện như thế.
Lisa Berg có ý kiến khác thường khiến cả lớp bỗng dưng im bặt. Cô bé
bảo rằng đầu óc trẻ nhỏ có những thứ bí ẩn sâu xa, vượt khỏi mọi hiểu biết
của chúng ta.
Wow, ai đó thốt lên.
Chúng biết Lisa nói đúng. Tuổi thơ của chúng nào đã xa xôi gì lắm đâu,
mặc dù chúng không thích nghe ta nói điều này, và sự im lặng kia có nghĩa
là chúng đang trôi về miền đất mơ ước của thời thơ ấu.
Hôm sau thầy trò chúng tôi ca hát những bài trong thời thơ ấu của tôi
mà tôi còn nhớ. Ca hát thế thôi chứ không nhằm mục đích gì, không mang ý
nghĩa sâu xa nào cả. Sẽ không có bài tập để việc ca hát khỏi mất vui. Tôi
thấy hơi bứt rứt nhưng tôi ham vui và qua cách chúng – những đứa trẻ Do
Thái, Triều Tiên, Trung Hoa, Mỹ - ca hát, tôi nghĩ rằng chúng cũng thích
luôn. Chúng biết âm điệu những bài đồng dao quen thuộc này. Giờ đây
chúng thêm lời vào.
Bà mẹ già Hubbard
Đi tới chạn
Tìm cho con chó tội nghiệp một khúc xương
Nhưng chạn trống trơn
Thành ra con chó chẳng được gì.